Trong hai ngày 17,18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội đã tổ chức triển lãm, đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố. Bên cạnh những gian hàng đa dạng đồ dùng dạy học tự làm của các thầy cô giáo đến từ các phòng giáo dục và đào tạo, trường học, thì đồ dùng dạy học tự làm dành cho học sinh trường chuyên biệt lại gặp nhiều khó khăn. Với học sinh bình thường, việc làm ra đồ dùng học tập còn có sự hỗ trợ của nhiều công ty thiết bị giáo dục. Nhưng với học sinh trường chuyên biệt, đồ dùng học tập có được là do giáo viên tự làm.
Tham gia triển lãm lần này, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội có 4 sản phẩm là: Compa dùng vẽ hình tròn cho học sinh khiếm thị, bộ đồ dùng các ký hiệu nổi trong dạy nhạc, sơ đồ cấu tạo cơ quan sinh dục nam, nữ, sự thụ thai và lược đồ chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút. Trong đó, sản phẩm compa dùng vẽ hình tròn cho học sinh khiếm thị của thầy Ngô Văn Hiếu, giáo viên của trường thu hút được sự chú ý.
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Thầy Ngô Văn Hiếu chia sẻ, với những học sinh bình thường, muốn có một chiếc compa thì chỉ cần ra cửa hàng văn phòng phẩm là có ngay, nhưng một chiếc compa cho học sinh khiếm thị lại khó khăn. Với học sinh khiếm thị, cảm nhận của các em chính là các hình nổi lên, hoặc lõm xuống so với mặt phẳng chuẩn. Bởi vậy, thay vì tạo hình tròn bằng nét bút chì thì phải tạo hình tròn bằng các chấm nổi, đầu chì được thay bằng bánh xe răng cưa. Một chiếc compa dành cho học sinh khiếm thị chỉ đơn giản thế thôi nhưng nó là sự sáng tạo của cả tập thể. Để tạo ra được chiếc compa này thì từ ý tưởng của thầy Hiếu còn có bàn tay của thợ cơ khí. Từ chiếc compa này, các giáo viên trong trường còn sáng tạo ra hình mẫu parabol để giúp học sinh tiếp cận với thực hành tốt hơn.
Nắm bắt được những khó khăn này, trong những năm qua, thầy và trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn nỗ lực khắc phục những vướng mắc trong việc học để sáng tạo ra đồ dùng phù hợp. Chẳng hạn, thầy cô trong trường đã làm mô hình trường học để học sinh đi vào trường có thể hình dung được hướng di chuyển của mình.
Cô Trần Thị Lan Phương, giáo viên tiểu học trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, đồ dùng cho học sinh khiếm thị phải có đặc trưng về sự tri giác, phải có độ nổi, độ sần khác nhau sao cho học sinh có thể phân biệt được hình khối. Vì vậy, để làm ra một đồ dùng học tập dành cho học sinh khiếm thị cần sự góp sức của cả tập thể.
Điều mà hầu hết những giáo viên ở trường chuyên biệt mong muốn là việc làm đồ dùng dạy học cho học sinh trường chuyên biệt cần có sự chỉ đạo có hệ thống, sát với chương trình sách giáo khoa hiện hành. Hiện nay, ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, trung bình 3 học sinh mới có được một bộ đồ dùng học tập. Đây thực sự là sự thiệt thòi với các em.
Ở một số tỉnh không có trường chuyên biệt, nhưng việc làm ra đồ dùng dạy học cho học sinh chuyên biệt cũng được quan tâm. Ông Phạm Ngọc Hưởng, Giám đốc Sở GD – ĐT Lạng Sơn cho biết, Sở đã chỉ đạo các thầy cô giáo làm đồ dùng dạy học, có tổ chức thi chấm, đặc biệt, đối với những cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đều phải có đồ dùng dạy học tự làm. Nhưng Lạng Sơn cũng có nhiều khó khăn như các trường vùng sâu, vùng xa nhiều, việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường khó khăn hơn, những đồ dùng tự làm ít phong phú hơn.
Năm 2010, Bộ GD – ĐT đã phê duyệt đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non và phổ thông giai đoạn 2010 – 2015” và ngay trong năm học 2011 – 2012 đã triển khai thí điểm đề án tại 5 địa phương, trong đó có Hà Nội. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị, Sở GD - ĐT Hà Nội có chính sách khuyến khích sức sáng tạo, tâm huyết của mỗi nhà giáo, để mỗi nhà giáo phải là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng dạy học và góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… Có phương án trong triển khai làm đồ dùng học tập cho học sinh trường chuyên biệt, hy vọng Hà Nội sẽ là một trong những nơi đi đầu trong việc làm tốt đồ dùng dạy học tự làm nói chung và với học sinh trường chuyên biệt nói riêng.
Bài và ảnh: Lê Vân