Vậy là sau hàng chục cuộc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, trí thức, bản Dự thảo Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo do Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng cũng đã hoàn tất và được đánh giá là “bản đề án tốt nhất” (lời Giáo sư Hoàng Tụy).
Phát huy tính sáng tạo của học sinh là một trong những nhiệm vụ của đổi mới giáo dục. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhiều lần phát biểu: Trong bối cảnh kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay, chỉ có thắng về giáo dục mới thắng về kinh tế.
Bài toán nguồn nhân lực dù đã được chỉ rõ từ vài năm trước, nay trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu đã khiến mọi người không thể phủ nhận và làm ngơ...
Tư duy coi trọng và xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội” đã được nêu đầu tiên và chi phối mọi quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà bản Đề án đưa ra.
Trang bị kỹ năng cần thiết và phát huy sáng tạo của học sinh
Giáo dục nước ta đang đứng trước nghịch lý là trẻ em học đêm, học ngày, thầy cô, nhà trường và các gia đình đều mệt mỏi, tiếng kêu “quá tải”, dạy thêm, kéo dài năm này sang năm khác nhưng kết quả cuối cùng đầu ra là nguồn nhân lực vẫn không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Học sinh tốt nghiệp phổ thông vẫn không phải là một công dân tốt, thiếu các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hiện đại dù tối thiểu như: biết và tuân thủ luật giao thông, giao tiếp thông thường với khách du lịch nước ngoài, soạn thảo một văn bản trên máy vi tính,...
Giải quyết các bất cập nêu trên, bản đề án đã xác định trọng tâm thời gian tới phải thay đổi tận gốc mô hình hoạt động của nhà trường phổ thông: đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận xét: Tôi rất tâm đắc khi Đề án xây dựng lại nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng phù hợp với thời đại ngày nay. Đó là phải tích hợp thành ít môn, giảm thời lượng hàn lâm để có thời gian và không gian cho thầy và trò tổ chức các hoạt động thực tế.
Nếu cứ học kiểu nhồi nhét, truyền đạt kiến thức như cũ thì không bao giờ đủ bởi kiến thức của nhân loại trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, sau 4-5 năm lại tăng lên gấp đôi thì không bao giờ chúng ta trang bị đủ cho các em và giáo dục sẽ mãi tụt hậu.
Một học sinh vừa đoạt giải thưởng với mô hình máy bơm nước cho vùng cao nói: Em nhận thấy trong thực tế dù có rất giỏi một môn học riêng lẻ: toán, lý, hay sinh, hóa cũng không thể làm ra một sản phẩm cụ thể. Các bài toán cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống gần gũi quanh mình đòi hỏi phải vận dụng kiến thức liên môn mới làm được.
Chính vì vậy dạy học tích hợp liên môn và tự chọn theo sở trường lĩnh vực là một hướng đi đúng vừa giải quyết triệt để tình trạng quá tải, vừa thiết thực với cuộc sống.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Phương thức giáo dục mới tới đây sẽ thay đổi căn bản điều này: Thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức, mà nhiệm vụ chính sẽ là tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực và phẩm chất của mình.
Chương trình và nội dung sách giáo khoa mới sẽ thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa mạnh ở các lớp trên.
Tổ chức lớp học cũng không phải thầy giảng cho cả lớp nghe như bây giờ. Học sinh của mỗi lớp sẽ được tổ chức thành nhóm. Mỗi nhóm được thầy, cô giao nhiệm vụ, hướng dẫn và tư vấn cách giải quyết, các em sẽ chủ động thảo luận, phân tích, tranh luận với nhau tìm ra phương án giải quyết vấn đề.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2013-2014 chỉ rõ: Giáo dục kỹ năng, xây dựng nhân cách, đạo đức cho học sinh không thể theo cách truyền đạt kiến thức trong phòng học, qua nghe giảng bởi con người hình thành cảm xúc, phân biệt yêu ghét, gắn bó, có trách nhiệm với quê hương, cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể.
Đề án cũng xác định đổi mới nội dung, phương pháp để có nhiều thời gian tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị và rèn luyện thành thục các kỹ năng sống, hình thành và xây dựng nhân cách học sinh.
Chủ trương đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về tiếng Anh và công nghệ thông tin - một hướng đi đúng mà ngành giáo dục khởi xướng và triển khai vài năm trước cũng được đẩy mạnh tại đề án này, góp phần trao cho thế hệ trẻ phương tiện để bơi ra biển lớn thời hội nhập quốc tế.
Với những bước đi phù hợp
Đề án xác định muốn thực hiện thành công các đổi mới nêu trên phải bắt đầu từ đổi mới đội ngũ nhà giáo, từ các trường sư phạm là nơi đào tạo nhà giáo.
Giáo sư Đinh Quang Báo - nhà sư phạm hàng đầu nói: Đề án xác định đổi mới bắt đầu từ người Thầy là rất đúng bởi suy cho cùng mọi chủ trương đổi mới về giáo dục thì người thi công chính là giáo viên và họ cần phải được đào tạo có đủ năng lực để thực hiện đổi mới. Đây là điều chúng ta rút ra được sau 3 lần cải cách giáo dục trước đây làm theo quy trình ngược.
Những giải pháp đột phá và then chốt để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trên sẽ mang lại một hình ảnh mới cho đất nước. Nhưng cũng cần hiểu rằng, sự nghiệp giáo dục cần có thời gian dài nhất định. Vì thế cần một sự ủng hộ và tham gia tích cực của toàn xã hội.
Xin được kết thúc bài viết bằng lời phát biểu gần đây của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết “Để thực hiện quốc sách hàng đầu này, các cấp lãnh đạo cao nhất từ Trung ương đến cơ sở phải cùng đầu tư suy nghĩ vạch ra chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục và tổ chức thực hiện cho bằng được. Toàn xã hội cần ghé vai gánh vác và có sự đồng thuận cao để phát triển giáo dục, chứ cư xử với giáo dục như cư xử với học sinh cá biệt, quay phải không được, quay trái cũng không xong thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm huyết của những người làm giáo dục”.
Hoàng Hoa