Hiện nay mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã phát triển khá đồng bộ, đa dạng cả về trình độ và ngành nghề đào tạo. Bối cảnh nền kinh tế số, sự thay đổi của thị trường lao động và xu thế dịch chuyển lao động trên phạm vi toàn cầu đang đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề nỗ lực đổi mới, nâng chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng thị trường lao động.
Với mục tiêu đào tạo nhân lực trực tiếp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương xứng trình độ, chuyên môn được đào tạo, có khả năng thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và cả thách thức để theo kịp bước chuyển mới của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Biến đổi và dịch chuyển
“Biến đổi và dịch chuyển” là những cụm từ được nhiều chuyên gia về lao động việc làm nhắc tới khi đề cập tới các ngành nghề và thị trường lao động trong nước và quốc tế hiện nay cũng như trong tương lai gần. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Từ khía cạnh nguồn nhân lực và thị trường lao động, các chuyên gia dự báo Hiệp định này mở ra cơ hội phát triển thị trường lao động và cũng tạo ra những thay đổi, dịch chuyển mới…
Cụ thể, theo thông tin từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), yêu cầu phát triển sản xuất sẽ làm gia tăng khoảng 18.000-19.000 việc làm tại Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030. Cùng với nhiều cơ hội việc làm mới, nhờ tác động của EVFTA, giai đoạn 2020-2035, mức lương bình quân của lao động Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 3%.
EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức mới cho thị trường lao động Việt Nam. Do đó, nếu không chủ động nắm bắt, lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về tay nghề chuyên môn, các kỹ năng mềm..., cơ hội việc làm sẽ thuộc về các lao động đến từ nước ngoài.
Còn theo chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh), Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng cơ bản là kết nối số mọi lúc mọi nơi sẽ khiến cho nhiều nghề biến mất do thay đổi công nghệ, nhất là những nghề lao động giản đơn hoặc người lao động có kỹ năng yếu. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động cũng sẽ có những biến đổi, cần nhiều nhân lực cho nhiều ngành nghề mới hoặc đòi hỏi nhân lực chất lượng cao hơn và cũng có thể giảm nhu cầu nhân lực ở một số ngành nghề.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, hội nhập quốc tế sâu rộng trong cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương sẽ tạo ra thị trường lao động mở, có khả năng tạo thêm nhiều việc làm mới tại Việt Nam. Đồng thời, xu hướng việc làm cũng thay đổi, trong đó có sự di chuyển lao động giữa các địa phương trong nước và cả quốc tế.
Dự báo, riêng các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm cần nguồn nhân lực khoảng 500.000 người; trong đó nhân lực tập trung ở các ngành nghề chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, thủy sản...
Còn đối với vùng Đông Nam Bộ, giai đoạn từ nay đến năm 2025, các chuyên gia dự báo cần lượng nhân lực là 735.000 người/năm. Các địa phương này sẽ phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, dịch vụ, cấp thoát nước.
Lao động không qua đào tạo sẽ gặp bất lợi
Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), có một thực trạng hiện nay ở nước ta là một số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở đã không chọn học nghề mà tham gia ngay vào thị trường lao động, làm các công việc giản đơn. Do thiếu kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nên số lao động này dễ rơi vào tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh. Thậm chí có những người đã cống hiến sức trẻ cho các ngành nghề lao động giản đơn, thu nhập thấp, đến khi độ tuổi trung niên lại mất việc do không có trình độ, kỹ năng để đáp ứng đỏi hỏi ngày càng cao của sản xuất, kinh doanh. Không lựa chọn nghề nghiệp đúng hoặc không học tập để có kỹ năng nghề nghiệp sẽ gây lãng phí lớn cho chính người học, gia đình và xã hội.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay còn tình trạng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề hoặc người lao động chưa có đủ kỹ năng vào làm việc. Có doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, sau khi tuyển lao động chỉ hướng dẫn trong khoảng 1-2 tuần là đưa lao động vào dây chuyền làm việc. Điều này gây hệ lụy là năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập cũng thấp. Chưa kể, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, do không qua giáo dục nghề nghiệp, không có những kiến thức nền, người lao động sẽ rất xa lạ với các công nghệ mới nếu không được tổ chức đào tạo, lao động dễ bị sa thải.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang Dự thảo Thông tư về danh mục những ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo và đang tổ chức lấy ý kiến. Song, việc thực hiện Thông tư sẽ cần có lộ trình, trước mắt sẽ bắt buộc thực hiện với những doanh nghiệp sản xuất ở những ngành nghề liên quan đến sức khỏe, độc hại hoặc nguy hiểm, sau đó sẽ đến nhóm ngành dịch vụ liên quan đến con người và những ngành nghề sản xuất khác. Như vậy, trong tương lai gần, các danh nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo để đảm bảo chất lượng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Từ góc nhìn của người sử dụng lao động, ông Trần Xuân Sơn, Công ty Cổ phần kỹ thuật Bảo Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, có thể phải trả mức lương cao hơn nhưng doanh nghiệp vẫn chọn tuyển dụng những lao động đã qua học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng vào đảm nhận các vị trí việc làm. Với những lao động đã qua đào tạo, dù doanh nghiệp có phải tổ chức hướng dẫn, đào tạo bổ sung thì với kiến thức quan trọng, căn bản đã có, người lao động sẽ thuận lợi hơn khi được cập nhật các công nghệ, kỹ thuật mới.
Bài cuối: Đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế