Đổi mới căn bản nền giáo dục để chuyển sang hình thức dạy tích hợp. Tích hợp giúp học sinh phát triển khả năng, huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Điều này được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng, phát triển những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
Thay đổi nền giáo dục “nhồi nhét”
Hiện nay nền giáo dục của ta nặng về “nhồi nhét”, truyền dạy kiến thức, trong đó học sinh là những người tiếp nhận thụ động. Nếu chúng ta có thể thay đổi thành công phương pháp dạy tích hợp sẽ làm cho học sinh thay vì là 1 “bình chứa kiến thức” thì sẽ tạo ra 1 thế hệ mà các em có năng lực để tự học và có khát vọng tìm kiếm tri thức. “Khi các em có động lực muốn đi tìm tri thức và được trang bị kỹ năng để tự học thì các em có thể khám phá ra những gì các em cần, đó là sự thay đổi căn bản đối với học sinh. Biến nền giáo dục nặng về “nhồi nhét”, “bơm” kiến thức thành nền giáo dục tạo ra những con người có năng lực thích ứng với một thế giới toàn cầu hóa”, bà Phạm Thị Ly, Giám đốc Chương trình Nguyên cứu - Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phân tích.
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). |
Thầy Đặng Thành Chung, giáo viên môn toán cho biết, đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán, lý, hóa có nhiều điểm tương đồng, vì vậy, nếu dạy tích hợp vào thành môn khoa học tự nhiên sẽ có nhiều điểm thuận lợi, nhất là sẽ bớt lãng phí thời gian, công sức. Thay vì giáo viên phải soạn 3 giáo án thì giờ rút lại chỉ còn 1 giáo án.
Hiện nay, trong 1 kỳ học sinh phải học 13 môn, áp lực về kiến thức và số lượng môn rất lớn, hơn nữa các em đang học theo hình thức bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào sự truyền dạy kiến thức của giáo viên, học theo lối mòn “cô giảng trò nghe”, ít có sự chủ động tương, tác trao đổi giữa giáo viên và học sinh. Từ đó học sinh không hề có sự tìm tòi, chủ động với lượng kiến thức mình nhận được. “Vì vậy nếu áp dụng chương trình dạy tích hợp thì áp lực về học tập sẽ giảm và chúng em hoàn toàn có thể chủ động trong việc tiếp thu kiến thức của mình”, Nguyễn Hồng Trang, học sinh lớp 11, Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoàng Hóa, Thanh Hóa), cho biết.
Cần chiến lược lâu dài
Việc áp dụng chương trình dạy tích hợp vào nền giáo dục, có thể nhìn thấy nhiều cái lợi, tuy nhiên để thực hiện chương trình này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, và trước mắt sẽ gặp phải những khó khăn.
Tích hợp những môn có nhiều điểm tương đồng với nhau sẽ tạo thuận lợi cho cả người dạy lẫn người học, tuy nhiên cũng gây ra những khó khăn nhất định. Theo thầy Đặng Thành Chung, đối với 3 môn toán, lý, hóa, tích hợp lại, trong đó môn toán là môn trọng điểm nhất, nên từ môn toán có thể phát triển ra thành lý, hóa. Nhưng ngược lại có những học sinh học không chắc môn toán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến 2 môn còn lại. Còn đối với môn xã hội, thầy cho rằng môn lịch sử không thể lồng ghép với môn nào cả. Bởi vì lịch sử vừa là môn khoa học xã hội nhưng nó cũng có nhiều nét tương đồng với khoa học tự nhiên, nên lồng ghép môn lịch sử với các môn học khác là không thích hợp.
Với học sinh, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để có thể học tích hợp và tự chuẩn bị kiến thức cho mình. Vì hiện tại các em đang rất thụ động, tất cả phụ thuộc vào người thầy. Bây giờ để cho các em làm chủ kiến thức bằng 1 con đường khác là điều khó khăn và cần chuẩn bị kỹ lưỡng. “Để khắc phục được khó khăn trên, trước hết bản thân phải tự cố gắng, và sau đó tự mình sẽ phải tìm ra phương pháp học mới, khác hoàn toàn với phương pháp học lâu nay”, Phương Anh, lớp 10A1, Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.
Để làm được điều này, trước hết chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ giáo viên. “Giáo viên của chúng ta mấy chục năm nay dạy theo lối truyền giảng kiến thức, nên giờ phải làm thế nào để họ thay đổi cách nghĩ, chẳng những thay đổi cách nghĩ mà họ còn biết cách làm theo lối mới. Tức là tổ chức lớp học như thế nào đó để học sinh tham gia vào quá trình giáo dục, tự hình thành nên kỹ năng, năng lực của mình”, bà Phạm Thị Ly nhận định.
Đồng thời, các trường sư phạm phải đóng vai trò quan trọng trong việc tái đào tạo giáo viên vì trước giờ các trường chủ yếu dạy kiến thức. Nhưng rõ ràng cái mà các trường trang bị không đủ để giáo viên thực hiện thay đổi này vì thay đổi này cực kỳ cơ bản nên các trường sư phạm phải thay đổi chương trình đào tạo, thiết kế lại cách dạy các giáo sinh của mình. Bởi vì trong cuộc đổi mới này thay đổi phương pháp giảng dạy là quan trọng bậc nhất, bà Ly cho biết thêm.
Có cùng quan điểm trên, để dạy tích hợp có hiệu quả, đội ngũ giáo viên phải kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại với nhau. Ví dụ lấy học sinh, khả năng sáng tạo của học sinh làm trung tâm, thay vì người thầy truyền đạt hết kiến thức cho học sinh thì hãy để các em từ những con đường trực quan nhất có thể đi lên hình thành kiến thức, tư duy, năng lực phẩm chất của mình - thầy Đặng Thành Chung phân tích.