Năm học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 42 tại Thái Lan đều đã “rinh” huy chương về cho đất nước: 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Các thầy giáo dẫn đoàn cho biết, các em có được thành tích như vậy nhờ vào một phần kỹ năng thực hành tốt. Thực hành đang trở thành một ưu thế không “kém cạnh” phần thi lý thuyết, vốn được coi là “truyền thống” của học sinh nước ta.
“Thưởng nóng” cho học sinh giỏi
Chiều 18/7, vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài, 5 chàng trai trong đội tuyển Việt Nam với gương mặt rạng rỡ, đã được lãnh đạo Bộ GD – ĐT, thầy cô giáo, người thân chào đón. Nguyễn Huy Hoàng, người đoạt huy chương Vàng chia sẻ: “Người đầu tiên thông báo cho em về tấm huy chương Vàng là một nhà báo, khi gọi điện phỏng vấn em. Lúc đó em còn nghi ngờ, đến khi tổng kết, em mới thực sự tin vào kết quả đó”. Trước đây, Hoàng từng 2 lần đạt danh hiệu Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý: Giải nhì năm học lớp 11, giải nhất năm học lớp 12 và đoạt huy chương Đồng tại cuộc thi Olympic Vật lý châu Á. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của em. Trong thời gian tới, em tiếp tục học tập tại ĐH Bách khoa Hà Nội và sau đó sẽ sang Mỹ du học. Ngành học của em vẫn liên quan đến Vật lý”, Hoàng chia sẻ.
Em Nguyễn Huy Hoàng cùng mẹ tại sân bay quốc tế Nội Bài. |
Xuất phát từ Nghệ An, trưa 18/7, bố mẹ của Nguyễn Huy Hoàng đã có mặt tại sân bay để đón cậu con trai duy nhất. Ông Nguyễn Đức Long (bố em Hoàng) tâm sự: “Con trai tôi là cậu bé tỉ mỉ và chân thật”. Hoàng bắt đầu học lớp chuyên Vật lý từ lớp 7. Khi đó, mẹ Hoàng có nhắc nhở con về con đường học tập và định hướng cho Hoàng học đều các môn để có thể thi được vào nhiều trường đại học; Hoàng đã trả lời: “Mỗi người có một con đường vào đại học khác nhau, con chọn con đường này”.
Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD – ĐT, đoàn Việt Nam tiếp tục giành thêm 7 huy chương ở kỳ thi Olympic Sinh học, Hóa học quốc tế. Cụ thể, đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 22 tại Đài Loan (Trung Quốc) có 4 em thì 3 em giành huy chương Đồng và 1 em được Bằng khen. Đoàn Olympic Hóa học giành 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. |
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có một chàng trai đoạt giải Bạc trong kỳ thi này là Nguyễn Đình Hội. Chia sẻ về ước mơ sau này, Hội cho biết: “Các kỳ thi là sự trải nghiệm để tự khẳng định mình. Em ước mơ trở thành nhà phát minh, sáng tạo nhiều ý tưởng, công trình để đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước”. Thầy Trần Văn Nga, giáo viên môn Vật lý Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, là thầy chủ nhiệm của Hoàng và Hội và cũng là người thầy đồng hành trong những ngày hai em dự thi ở nước ngoài. Thầy Nga chia sẻ: “Huy chương Vàng đối với em Hoàng tôi không bất ngờ lắm nhưng huy chương Bạc đối với em Hội lại bất ngờ. Hội đã vượt qua chính mình để giành được tấm huy chương này”. Các thầy cô ở Trường THPT Phan Bội Châu bật mí, thầy Nga chính là thầy giáo của em Nguyễn Tất Nghĩa đã đoạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2007.
Thầy Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho biết: “Tỉnh Nghệ An sẽ thưởng “nóng” cho em Nguyễn Huy Hoàng 50 triệu đồng và em Nguyễn Đình Hội 30 triệu đồng”.
Thực hành không còn là “cửa khó”
Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 42 thuộc về học sinh Nguyễn Huy Hoàng (lớp 12A3 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An); huy chương Bạc là hai em Nguyễn Đình Hội (lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) và Hoàng Lê Phương (lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng); hai huy chương Đồng thuộc về em Lê Huy Quang (lớp 11 THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và em Đinh Huy Hồng Quân (lớp 12 Trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). |
Bên cạnh năm chàng trai tươi cười, không thể không nhắc tới những người thầy đã âm thầm bên cạnh các em, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và cả việc... ôn bài. Thầy Nguyễn Thế Khôi, cán bộ ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ: “Về cơ bản, đoàn Vật lý Việt Nam đã có những thành công tốt đẹp. Thành tích ấy đã thể hiện những nỗ lực của chính các em, các thầy cô trường THPT chuyên rèn luyện các em và những thầy cô đã tập huấn cho các em trong 1 – 2 tháng tại Hà Nội với những kỹ năng tương đối đầy đủ”.
Khi được hỏi về phần thực hành của học sinh Việt Nam, thầy Nguyễn Thế Khôi khẳng định: “4 – 5 năm trở lại đây tình hình đã thay đổi, phần thực hành đã được các em làm khá tốt. Điều này được chứng minh bằng kết quả những bài thi của học sinh Việt Nam trong những kỳ thi Olympic quốc tế gần đây. Trong lúc học sinh lên đường chúng tôi cũng không hề lo ngại về phần thực hành. Thực tế, điểm thực hành của các em trong đoàn đều đạt mức trung bình khá trở lên”.
Thầy Trần Văn Nga cho hay: “Thời gian 1 - 2 tháng các em được ra Hà Nội bồi dưỡng là thời gian mà các em được thực hành nhiều. Vì vậy, các em đã thành thạo thực hành. Điểm thực hành của em Hoàng là 17/20 điểm”.
Chia sẻ về đội ngũ những người làm vật lý trong tương lai, thầy Nguyễn Thế Khôi tâm sự: “Tôi mong các em là những người xuất sắc trong lĩnh vực này, các em có đầy đủ điều kiện thuận lợi để trở thành những giảng viên về vật lý, những người nghiên cứu về vật lý để phát triển khoa học cơ bản Việt Nam. Các em nên tiếp tục học vật lý. Điều kiện trong nước hiện nay đã rất thuận lợi”.
Bài và ảnh:
Lê Vân