Dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII. Nhân dịp này báo Tin Tức giới thiệu bài viết của Gs.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học.
Sinh viên làm thí nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường của trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Chất luợng giáo dục đại học là một phạm vi rộng trong hệ thống đa dạng các trường đại học bao gồm các đại học nghiên cứu, các đại học đa ngành hướng về kỹ thuật ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên. Sự phân tầng đại học như vậy để đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực hoạt động trong mọi ngành kinh tế. Nó cũng giúp cho người sử dụng lao động dễ dàng chọn được nhân sự theo nhu cầu của mình. Đồng thời nó cũng giúp cho các trường đại học khẳng định được thương hiệu theo mục tiêu đào tạo đã chọn. Khi đó việc đánh giá chất lượng sinh viên dựa trên sự so sánh chất lượng của nhóm trường cùng mục tiêu đào tạo. Không thể đánh giá chính xác chất lượng sinh viên tốt nghiệp ở trường đại học nghiên cứu khi giao những việc mang tính ứng dụng hay ngược lại, không thể đánh giá đúng chất lượng sinh viên tốt nghiệp trường đại học ứng dụng khi giao công việc chuyên sâu về nghiên cứu cơ bản.
Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ in ấn và cấp văn bằng
Nếu như Luật Giáo dục khẳng định giá trị pháp lý của bằng đại học là như nhau, không phân biệt loại hình trường và phương thức đào tạo thì trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, giá trị của văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng của cơ sở đào tạo. Dự thảo Luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng (điều 32). Như vậy, chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường thể hiện qua văn bằng cấp cho sinh viên tốt nghiệp. Xã hội và nhà sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua chất lượng sinh viên tốt nghiệp với văn bằng do trường cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng tối thiểu của các cấp học.
Tăng cường quyền tự chủ cho các trường
Cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học là cạnh tranh lành mạnh. Các điều kiện đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo cần được kiểm định và đánh giá bởi một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập. Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và công bố công khai các kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo để cho người học biết và giám sát những cam kết đảm bảo chất lượng của nhà trường.
Để các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường có ý nghĩa quan trọng. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học thể hiện trên nhiều mặt hoạt động. Ngoài các quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học… dự thảo Luật Giáo dục đại học còn nhấn mạnh đến tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh (điều 28). Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời với các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học tổ chức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo các phương thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định. Cùng với những qui định này trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, các thông tư mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép các trường được tự chủ trong mở ngành đào tạo hệ cao đẳng nếu ngành đó đã được phép đào tạo ở bậc đại học. Điều này sẽ giúp cho các trường chủ động trong kế hoạch đào tạo, có thể điều chỉnh công tác tuyển sinh theo tình hình thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Giao quyền tự chủ tương ứng với điều kiện của cơ sở giáo dục đại học
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện nay chưa đồng đều, có những trường đã có bề dày kinh nghiệm lâu năm nhưng có những trường mới được thành lập; có những trường có đội ngũ mạnh và kinh nghiệm quản lý tốt nhưng có những trường đội ngũ cán bộ giảng dạy còn mỏng và quản lý chưa vững vàng. Vì vậy việc giao quyền tự chủ cho các trường trước mắt cần theo năng lực quản lý thực tế của từng trường. Trong thực tế các Đại học Quốc gia, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm đã được giao quyền tự chủ rất cao. Và mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao với những cơ chế đặc thù cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Số lượng các trường được giao quyền tự chủ sẽ tăng dần theo năng lực quản lý và chất lượng đào tạo của họ. Điều 26 của dự thảo Luật Giáo dục đại học nhấn mạnh: “Cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân với điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, với cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và với kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục đại học”.
Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học là không đồng loạt, mà có lộ trình, đồng thời nếu cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động theo các quyền đã giao thì các quyền đã được giao bị thu hồi.
GS.TSKH Bùi Văn Ga
* Tít do tòa soạn đặt