Do vậy, việc đưa học sinh trở lại trường học là rất cần thiết. Tuy nhiên, để việc học trực tiếp có hiệu quả, lâu dài, rất cần các giải pháp linh hoạt, không cực đoan, phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.
Với mong muốn đưa học sinh trở lại trường học càng sớm càng tốt, tránh những hệ lụy lâu dài về phát triển tinh thần, thể chất, căn cứ tình hình dịch bệnh và sự an toàn của học sinh, Hà Nội đã có những quyết định linh hoạt. Cụ thể, ngày 8/11/2021, học sinh lớp 9 ở huyện Ba Vì là nhóm học sinh Thủ đô trở lại trường đầu tiên trong năm học 2021 - 2022. Tới ngày 22/11, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã thuộc vùng ngoại thành trở lại trường. Rồi ngày 6/12, học sinh lớp 12 toàn thành phố được đi học trực tiếp. Sau đó, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn thành phố và từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã đã quay lại trường.
Lộ trình đưa học sinh trở lại trường học UBND thành phố Hà Nội triển khai trong thời gian vừa qua đã nhận được sự phản hồi tích cực của đông đảo các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Đặc biệt là quyết định mới đây của UBND thành phố Hà Nội cho tạm dừng đến trường từ ngày 21/2 đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành do lo ngại về tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
“Tôi cho rằng, sự thận trọng của Hà Nội trong việc từng bước đưa trẻ đến trường là phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Lộ trình này vừa giải quyết được tính cấp thiết cho trẻ trở lại trường học vừa đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, có lẽ, để việc học trực tiếp được hiệu quả và lâu dài, sự chuẩn bị chu đáo về phương án xử trí F0, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trường học là chưa đủ mà quan trọng hơn nữa chính là sự thích ứng linh hoạt của gia đình học sinh”, anh Lại Phú Kiên (quận Cầu Giấy) nói.
Anh Kiên cho rằng, hiện nay, gần như toàn bộ hoạt động dịch vụ trong xã hội đã trở lại bình thường, người lớn đã đi lại bình thường, tiếp xúc với nhiều người ở chỗ đông người. Do đó, nguy cơ lây bệnh tại trường học không cao hơn so với các môi trường khác, như nơi làm việc, nhà hàng hay trung tâm mua sắm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều phụ huynh ý thức được những hậu quả về tâm lý, thể chất khi giữ con ở quá lâu trong nhà. Họ đã bắt đầu cho con đi chơi ở nơi công cộng, đi du lịch… để cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, việc đưa con đến trường học lại khiến một số ít phụ huynh e ngại.
“Chúng ta cần xác định trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không chỉ là của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính con em mình, rộng hơn là của cộng đồng xã hội. Do vậy, sự sẵn sàng của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần sẵn sàng trên nhiều phương diện, trong đó, cần có trách nhiệm phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho học sinh, kể cả trong tình huống xấu nhất là có những ca nhiễm xuất hiện tại trường học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nói.
Còn theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, cha mẹ có con đang tuổi đến trường phải có biện pháp phòng, chống dịch nhiều nhất, phòng cho cá nhân, cho con mình và cho lớp học. Cha mẹ cũng cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình và xem đây là cơ hội để thích ứng với bối cảnh mới.