Gánh nặng học thêm - bủa vây từ nhiều phía

“Học thêm, dạy thêm” đã trở thành vấn nạn của ngành giáo dục. Từ năm học này qua năm học khác, điệp khúc này lại được nhắc đến, nhất là khoảng một tháng sau khi bắt đầu năm học mới. Năm học 2011 – 2012 dù được gắn với một điểm mới: Giảm tải chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng chuyện học thêm, dạy thêm xem ra vẫn “đến hẹn lại lên”...

Vấn nạn dạy thêm, học thêm

Học thêm theo hình thức “tự nguyện” ở trường, học thêm ở lớp của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, rồi học thêm theo nguyện vọng thực sự… khiến lịch học của nhiều học sinh kín đặc, không có cả thời gian để ăn, để ngủ.

Một ngày học 6 ca

Một giáo viên chuyên luyện thi IELTS, TOEFL cho học sinh có nguyện vọng thi vào các trường đại học nước ngoài kể: “Tối qua, tôi phải đợi một cậu học trò đến muộn một tiếng. Lúc đến nơi cậu ta nói: “Em xin lỗi cô, em ngủ quên. Ngày hôm nay em phải học 6 ca”. Gương mặt cậu học sinh lộ vẻ nhợt nhạt, mệt mỏi vì chỉ ngủ có 4 tiếng mỗi ngày. Trong buổi học hôm đó tôi đã cố dạy theo kiểu “chơi mà học” mà cậu học trò lớp 10 này vẫn… ngáp dài”.
Tình huống của giáo viên kể trên không còn xa lạ với học sinh phổ thông ở các thành phố lớn. Càng học lên cao, sức ép về học thêm các môn học càng trở thành gánh nặng đối với các em.

1

Học chính chưa xong còn còng lưng học phụ, đến bao giờ tình trạng này mới hết làm khổ thế hệ tương lai của chúng ta?


9 giờ 30 ngày 3/10, tại cổng Trung tâm bồi dưỡng Văn hóa hocmai.vn chật kín xe chờ đón học sinh. Phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) rộng như vậy nhưng cũng có lúc tắc nghẽn vì lượng xe máy của phụ huynh và học sinh tan học. Chị Thu, có con học trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình), cho biết: “Được bạn bè giới thiệu những thầy cô ở Hocmai là giáo viên ở trường Hà Nội - Amsterdam khá uy tín nên tôi đăng ký cho con học. Dù biết con mình cũng khổ vì ngày học ở trường, tối đến lại phải học ở trung tâm, nhưng không học thì lại lo không vượt qua được các kỳ thi”.

Chị Thu cũng cho biết, con chị cũng theo học thêm ở trường, một tuần 3 buổi. “Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn xin học thêm (được đánh máy sẵn) với lịch học thêm vào các ngày trong tuần. Phần cuối để trống là phần ký đồng ý của phụ huynh. Cả lớp đều ký vào đơn này nên mình không thể không ký”.

Trên chiếc xe ga của chị Thu giờ này chở đến 3 đứa trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Một là con của chị, hai em khác nhỏ hơn là con hàng xóm. “Vì ai cũng bận đi làm, trong khi không dám để các cháu tự đi nên chúng tôi đã tự chia nhau ra để đón con”. Có những người không có thời gian đưa đón con đã thuê hẳn một xe ôm chuyên chở con cái đến các lớp học thêm.

Áp lực từ nhiều phía

Ký vào đơn “tự nguyện” xin học thêm cho con nhưng tâm trạng của mỗi phụ huynh mỗi khác. Chị Thu Hương, có con học tại trường Tiểu học Thanh Lương (Hà Nội), nhận xét: “Khả năng tiếp thu của con tôi không bằng các bạn cùng lớp, trong khi đó tôi không có điều kiện kèm cặp cháu buổi tối ở nhà. Vì vậy, tôi nhờ cô giáo kèm thêm cho con 2 buổi/tuần”. Một phụ huynh khác có con học tại trường tiểu học Cát Linh (Hà Nội) chia sẻ: “Sĩ số lớp học quá đông so với quy định (35 – 40 học sinh/lớp). Lớp con tôi học có gần 60 cháu, vì vậy cô giáo không thể sát sao từng em một. Trong khi chương trình yêu cầu lại quá cao so với khả năng tiếp thu của các cháu. Vì vậy tới đây tôi cũng sẽ xem xét việc học thêm cho con”. Thực trạng này cũng được một số giáo viên tiểu học xác nhận.

Theo Bộ GD-ĐT, đổi mới phương pháp dạy học, giảm tải chương trình học... sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.Ảnh : Phương vy - TTXVN


Có nhiều phụ huynh bày tỏ rõ mong muốn con được học thêm ở những thầy, cô giỏi để mong có thể đỗ đạt vào các trường điểm, lớp chọn. Hoặc chỉ đơn giản là “giữ trẻ” vì giờ tan tầm không thể đón con (đối với học sinh bậc tiểu học). Một phụ huynh có con học trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội) cho biết: “Vì không có điều kiện đón con sau 5 giờ nên tôi đã cho con vào lớp học thêm từ 5 – 7 giờ chiều do chính cô giáo cháu dạy”. Được biết, các cô thuê một địa điểm gần trường học và khi tan học ở trường các cô sẽ dẫn cháu đến lớp học thêm.

Nhưng cũng có nhiều phụ huynh lo ngại học thêm quá nhiều gây quá tải cho con em mình. Bên cạnh đó, năm học 2011 – 2012 được xem là năm học với bước đột phá của ngành giáo dục là giảm tải chương trình. Các phụ huynh bày tỏ rằng con em mình sẽ không chịu áp lực việc học ca kíp, học thêm, nhưng việc chữa trị căn bệnh dạy thêm, học thêm vẫn không dễ.

Cũng có nhiều giáo viên không đồng tình với việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, việc học sinh học ca kíp như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, tự học của các em. Điều này sẽ tạo ra một lứa học trò thụ động. Hãy để các em có quỹ thời gian được nghỉ ngơi và tái tạo khả năng sáng tạo của mình.

Theo một chuyên gia giáo dục thì phụ huynh chỉ nên cho con đi học thêm nếu thật sự thấy cần thiết cho việc nâng cao năng lực của con. Không nên cho con đi học thêm theo phong trào, hoặc cho đi học thêm chỉ vì áp lực từ phía giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN