Do đặc thù là tỉnh miền núi nghèo, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, ngành Giáo dục Gia Lai vẫn luôn nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất cho các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Lơ Pang là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai. Trường Tiểu học Lơ Pang có 7 điểm trường, điểm nào cũng cách xa điểm trường chính. Điểm trường vùng sâu Alao, xã Lơ Pang còn thiếu cơ sở vật chất, học sinh học trong phòng tạm, sân bết dính đất đỏ khiến nhiều học sinh ngã khi chơi đùa. Tuy nhiên, cả cô và trò vì tinh thần hiếu học vẫn luôn nỗ lực vượt khó. Đặc biệt, nhiều thầy cô dành cả cuộc đời công tác để hằng ngày vận động, đưa đón học sinh đến lớp nhằm gieo chữ về làng, duy trì sỹ số học sinh, thay đổi những cuộc đời lớp trẻ nơi vùng sâu Tây Nguyên.
Sau thông tin phản ánh của báo chí, ngành Giáo dục Gia Lai, huyện Mang Yang đã trích ngân sách xây dựng phòng học cho Trường Tiểu học Lơ Pang, cùng sự hỗ trợ của “mạnh thường quân” xây phòng học và sân trường cho điểm trường Alao.
Năm học 2020-2021, diện mạo điểm trường Alao đã thay đổi với niềm hân hoan của thầy trò vùng khó. Trước đây, tại điểm trường này, phòng học quây tôn, mái lợp tôn thấp lè tè, nóng bức, nền đất bết dính đất đỏ. Giờ đây, điểm trường đã được thay thế bằng một phòng học khang trang, bê tông kiên cố, bàn ghế ngăn nắp, chắc chắn; trong phòng còn có quạt, bình nước lọc để phục vụ học sinh. Sân trường gần 700 m2 được tráng bê tông sạch sẽ. Nhìn tổng thể, điểm trường Alao hiện nay đã đảm bảo xanh, sạch, đẹp như những điểm trường vùng thuận lợi với 5 phòng học, một thư viện riêng biệt, bồn nước, nhà vệ sinh, sân trường rộng thoáng có cây xanh...
Thầy giáo Chhỡi, điểm trường Alao gửi lời cảm ơn đến Nhà nước vì đã quan tâm đến giáo dục vùng sâu. Thầy phấn khởi cho hay, đã 35 năm dạy ở các điểm trường vùng sâu, vùng khó của xã Lơ Pang, năm học này, thầy rất vui vì học sinh của thầy từ nay không phải học trong phòng tạm như trước nữa. Có phòng học mới, sân trường mới, học sinh chăm chỉ đến trường hơn, thầy cô trong trường đỡ vất vả hơn.
Em Thạch, học sinh lớp 5D vui mừng cho biết: Em đã từng học trong phòng học tạm mấy năm trước, phòng nóng ngột ngạt vào mùa nắng và dột nước vào mùa mưa, nhiều bạn nghỉ học, không muốn đến lớp. Bạn nào trong lớp cũng ước có phòng học mới. Năm nay, được học trong phòng mới mát mẻ, sạch sẽ, chúng em rất vui. Các bạn đến lớp thường xuyên hơn, không còn bỏ học nữa.
Không chỉ riêng điểm trường Alao, điểm chính Trường Tiểu học Lơ Pang, năm nay trường cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng tòa nhà 2 tầng kiên cố với 8 phòng học mới khang trang, sạch sẽ. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, trường còn xây dựng được một phòng thư viện riêng biệt, thoáng đãng nhiều chỗ ngồi, với sách, truyện đầy đủ phục vụ nhu cầu đọc của các em. Ngoài ra, trường có thêm một sân cầu lông, một sân bóng chuyền là nơi rèn luyện sức khỏe của thầy cô, học sinh và cả người dân trong khu vực sau mỗi ngày học tập, làm việc. Trong lớp, cô trò thỏa sức sáng tạo, trang trí góc lớp với hoa, cây xanh. Năm học này, Trường Tiểu học Lơ Pang thay áo mới, thầy trò phấn khởi, nâng cao chất lượng dạy học, tỷ lệ chuyên cần.
Thầy Nguyễn Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lơ Pang cho biết: Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song nhà trường bằng nhiều nguồn kinh phí từ ngân sách đến xã hội hóa hoặc mối quan hệ của cá nhân giáo viên, đã vận động, quyên góp sách vở, truyện tranh, dụng cụ học tập cũng như đồ chơi cho các em nhỏ trong khuôn viên sân trường. Niềm hạnh phúc nhất của nhà trường cũng như của thầy cô, học sinh năm nay là đã hoàn thiện xong cơ sở vật chất, trường học, lớp học, bàn ghế cũng như các dụng cụ trợ giảng cho các em cả ở điểm trường chính và điểm trường Alao. Đây là động lực để giáo viên và học sinh cố gắng đạt những thành tích tốt nhất trong sự nghiệp giáo dục vùng sâu.
Trước đây, đường đến điểm trường Alao gian nan, vất vả, cô lập, mới đây con đường nhựa đã kết nối Alao với thế giới bên ngoài và trường lớp tạm bợ được thay thế kiên cố, khang trang. Gia Lai còn nhiều điểm trường lẻ khó khăn hơn nhưng Alao sẽ là điểm nhấn, là điển hình để các điểm trường khác noi theo, vượt khó vươn lên vì sự nghiệp giáo dục địa phương, vì một tương lai của học sinh vùng khó.