Bà Nguyễn Thị Thúy (giữa), Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Phượng, xã Ia O, huyện Chư Prông trong buổi làm việc với báo chí. |
Theo phản ánh của người dân tại xã vùng 3 đặc biệt khó khăn Ia O, huyện Chư Prông, Trường mẫu giáo Hoa Phượng thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non và mô hình bán trú với khoản thu lên tới trên 3 triệu đồng/học sinh/năm học. Điều đáng nói, mặc dù không nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh nhưng Ban Giám hiệu nhà trường vẫn áp dụng mức thu cao như trên, khiến một số học sinh không đủ tiền đóng học phải nghỉ học tạm thời, có trường hợp nghỉ học hẳn. Ngoài ra, việc thu, quản lý và sử dụng các khoản tiền này còn nhiều chỗ chưa thống nhất, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Trường mẫu giáo Hoa Phượng nằm trên địa bàn xã Ia O, một trong ba xã khó khăn nhất của huyện Chư Prông, địa phương có gần 50% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo, đa số là người dân tộc thiểu số bản địa. Hiện Trường mẫu giáo Hoa Phượng có gần 200 học sinh, trong đó 4/7 lớp đang thực hiện mô hình bán trú và xã hội hóa giáo dục. Trong khoản thu trên 3 triệu đồng/học sinh/năm học, ngoài hơn 100.000 đồng học phí, 18 khoản thu còn lại đều là tiền xã hội hóa và tiền bán trú.
Chị Rơ Lah Gi, làng Sung O, xã Ia O cho biết: Những năm trước, con chị đi học chỉ nộp 1 triệu đồng/năm, từ năm 2015, do nhà trường mở học bán trú nên đóng thêm tiền ăn hàng ngày. Điều kiện kinh tế rất khó khăn, gia đình không có đủ tiền cho con đi học tiếp.
Chị Pet, có con học tại Trường mẫu giáo Hoa Phượng nói: Trước kia, nhà trường thu ít, gia đình cố gắng lo cho con đến trường. Những năm gần đây, do nhà trường thu quá cao nên gia đình chị phải vay mượn để đóng học cho con.
Theo quy định, tiền xã hội hóa giáo dục được vận động trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, hàng trăm triệu đồng từ các khoản thu này đều do Trường mẫu giáo Hoa Phượng giao giáo viên thu rồi nộp về cho thủ quỹ chi và quản lý. Vì áp lực phải thu bằng được tiền từ phía học sinh trong khoảng thời gian nhất định, một số giáo viên đã phải vay tiền để nộp bù cho học sinh, rồi đợi khi phụ huynh có tiền trả dần.
Một giáo viên bức xúc nói: Ban giám hiệu nhà trường quán triệt, nếu không thu được tiền học sinh, nhà trường sẽ đánh vào công tác chủ nhiệm của giáo viên, xét không hoàn thành nhiệm vụ, cứ như vậy trong thời gian dài sẽ bị ra khỏi ngành.
Đặc biệt, mặc dù phụ huynh học sinh tự chuẩn bị đồ dùng phục vụ ăn, ngủ bán trú cho con em mình nhưng Trường mẫu giáo Hoa Phượng vẫn thu thêm tiền đồ dùng chung, đồ dùng bán trú, quỹ phụ huynh, quỹ học sinh với tổng số tiền lên tới hơn 850.000 đồng/năm học/học sinh. Một trong những khoản thu dùng để mua cây cảnh, ống nước, máy bơm và phân bón cho cây trồng trong 3 năm học gần đây lên đến gần 500.000 đồng, trong khi đó khuôn viên trường học khô cằn, tiêu điều, không có cây cảnh.
Đối chiếu hồ sơ các khoản thu của Trường mẫu giáo Hoa Phượng báo lên chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho thấy, các khoản thu thực tế tại trường này chênh so với báo cáo gần 800.000 đồng/học sinh.
Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Phượng cho biết: Tiền phân bón cao vì là phân bón của Úc, giá 150 nghìn/lít phân nước. Tiền thuốc diệt cỏ, mua ống nước, tiền quỹ hội phụ huynh, lao động không đưa vào sổ thu. Các khoản phát sinh này trường thu sau khi trình lên chính quyền nên không có trong hồ sơ. Trường quy định 1 năm tổ chức lao động 3 lần, do phụ huynh không đi lao động nên thu 50.000 đồng/năm/phụ huynh.
Theo bà Thúy, các khoản thu này đều do Hội phụ huynh của trường tự thu, chi và đóng trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên khi làm việc với Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh Trường mẫu giáo Hoa Phượng, nhiều ý kiến hoàn toàn trái ngược với lời bà Thúy.
Chị Rơ Mah Qua, thành viên Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh Trường mẫu giáo Hoa Phượng cho biết: Hội Phụ huynh không được nhà trường công khai, bàn bạc và thông qua các khoản thu xã hội hóa. Tiền do nhà trường tự thu, chi nên Hội Phụ huynh không biết... Về khoản tiền cảnh quan, cây cảnh đã đóng xong nhiều năm, nhưng cũng không thấy nhà trường trồng cây...
Xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo dục mầm non địa phương, tuy nhiên với một khoản thu quá cao như trên, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai khó có thể đáp ứng được.