Tờ mờ sáng, khi sương mù vẫn còn phủ kín các sườn đồi, lưng núi, cũng là lúc các cán bộ, giáo viên ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lại lên đường vào tận thôn bản, vận động các em học sinh đến trường trước thềm năm học mới. Công việc thầm lặng và đầy vất vả ấy cũng chỉ nhằm mục đích đem cái chữ đến cho con trẻ trên vùng cao núi đá còn nhiều gian khó.
Cán bộ và giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xín Cái đến nhà dân vận động học sinh đến trường. |
Theo chân các thầy cô giáo cùng cán bộ xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc đến từng gia đình vận động các em đến trường học mới thấu hiểu được sự vất vả trong sự nghiệp “trồng người” trên vùng cao biên giới Hà Giang.
Xín Cái là một xã giáp biên có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển; khí hậu khắc nghiệt, quanh năm mây mù bao phủ, địa hình hiểm trở, dân cư sống rải rác nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đều sống rải rác ở trên núi, cách trường hàng chục km nên nhiều khi các thầy cô giáo phải mất cả ngày trời mới đi bộ tới nơi. Vất vả là vậy nhưng không phải lúc nào công tác “dân vận” của các giáo viên cũng đem lại hiệu quả.
Thầy giáo Trần Chí Thức, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Xín Cái đã có gần chục năm gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy không nhớ đã bao lần lặn lội mưa gió cùng đồng nghiệp đi tới các thôn bản vận động học sinh đến lớp.
Thầy Thức tâm sự: Không giống như ở dưới xuôi, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, các thầy cô phải "dỗ" trước rồi mới tính đến việc "dạy" sau. Để duy trì sỹ số, các giáo viên không chỉ thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn mà còn phải khéo léo, kiên trì và yêu thương học sinh. Đa số các em đã bỏ học đều sợ không dám gặp lại giáo viên nên khi nhìn thấy thầy cô đến nhà là tìm cách tránh mặt. Không ít trường hợp bố mẹ đã đồng ý cho con quay lại trường nhưng hôm sau lại đưa chúng đi làm thuê cùng.
Ông Nguyễn Văn Vàng, Chủ tịch UBND xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc cho biết: Thời gian qua, tình trạng học sinh bỏ học đa phần là theo bố mẹ sang bên kia biên giới lao động làm thuê. Chỉ tính riêng trong năm học 2013 - 2014, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Xín Cái có 311 học sinh thì có 25 em bỏ học, trong đó 20 trường hợp bỏ học theo bố mẹ đi làm thuê.
Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bỏ học, chính quyền xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và giáo viên đến từng hộ gia đình vận động học sinh đến lớp. Hiện các thôn đã chủ động tổ chức họp dân, xây dựng hương ước, nếu gia đình nào để con em nghỉ học quá số buổi quy định của nhà trường sẽ bị phạt tiền. Số tiền đó do trưởng thôn nắm giữ và dùng để thưởng cho các học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Nhờ cách làm đó mà tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn xã cũng đã phần nào hạn chế.
Không chỉ ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, mà hầu hết các địa phương ở vùng cao Hà Giang đều xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có tới gần 2.500 học sinh bỏ học, tăng gấp 2 lần so với năm học 2011 - 2012 và chủ yếu tập trung ở bậc Trung học cơ sở. Đây là lứa tuổi đã có thể tham gia lao động phụ giúp gia đình nên không hứng thú với việc học. Tình trạng học sinh bỏ học ngày càng tăng khiến cho lãnh đạo ngành Giáo dục - Đào tạo và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn phải trăn trở. Nhiều biện pháp đã được triển khai nhưng vẫn chỉ mang tính nhất thời, điều quan trọng là các em không ý thức được việc đến trường học tập là quyền lợi chính đáng của bản thân mà lại coi đó là một việc làm bắt buộc khi bị thầy cô và chính quyền địa phương phê bình.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết: Vấn đề học sinh bỏ học trên địa bàn Hà Giang ngày càng phức tạp và gian nan, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là nhận thức của phụ huynh học sinh còn hạn chế, không xem trọng việc học, con trẻ thì chỉ nghe theo lời bố mẹ… Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học thực sự rất nan giải, biện pháp đầu tiên vẫn là tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu được việc cho con đến trường là cần thiết. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… cần vào cuộc mạnh hơn nữa để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bỏ học. Bên cạnh đó, các trường cũng cần đổi mới môi trường sư phạm, cải thiện phương pháp giảng dạy, xây dựng nhiều hoạt động ngoại khóa lành mạnh, hấp dẫn, khuyến khích học sinh có hứng thú khi đến lớp và coi đó là môi trường bổ ích.
Tình trạng học sinh bỏ học ở các huyện vùng cao, tỉnh Hà Giang diễn ra thường xuyên trong nhiều năm khiến cho chất lượng dạy và học gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những thiếu thốn về trường lớp, điều kiện sinh hoạt và giảng dạy thì việc vận động các em quay lại trường học nhằm đảm bảo sĩ số cho năm học mới luôn là nỗi lo, sự trăn trở khi mùa tựu trường đang đến.
Đỗ Bình