Một tuần sau Tết Nguyên đán, các trường đã tích cực triển khai công tác thống kê. Những học sinh trong diện nguy cơ bỏ học được các thầy cô lên danh sách, tìm phương án đối với từng trường hợp cụ thể. Để hoạt động này mang lại hiệu quả, mỗi thành viên của Tổ vận động ngoài trách nhiệm, cần có tình thương và sự tâm huyết.
Lập Tổ vận động
Ngay sau các kỳ nghỉ lễ, các huyện vùng cao như: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… đều lập Tổ vận động với thành phần gồm: thầy cô giáo, lãnh đạo UBND xã, đại điện các cơ quan, đoàn thể. Những mô hình mới, cách làm hay đã được vận dụng nhằm quyết tâm đưa học sinh trở lại trường.
Theo chân cán bộ tuyên truyền, vận động xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), chúng tôi đến nhà em Vừ Pá D (dân tộc Mông) là học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Nậm Cắn. Bố mẹ em D đi làm xa nên không theo dõi, giám sát được con. Sau kỳ nghỉ Tết, em D có yêu một bạn học lớp 9 nên muốn ở nhà kết hôn. Sau 2 lần vận động, D đã đồng ý quay trở lại trường học. Em Vừ Pá D cho biết, sau khi được thầy cô, các bác trong Tổ vận động động viên, phân tích về tác hại khi lấy chồng sớm và những cơ hội khi đi học, em đã quyết định quay lại trường. Em sẽ cố gắng học hết cấp 3 để sau này tìm được một công việc phù hợp.
Theo Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng (Cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, thành viên Tổ vận động), Nậm Cắn là xã biên giới có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Dịp Tết được nghỉ dài ngày cũng là điều kiện để các em gặp gỡ, yêu đương. Với tập quán lấy vợ, lấy chồng sớm, nhiều năm nay, tình trạng trẻ bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sau mỗi kỳ nghỉ diễn ra khá nhiều. “Nhiều trường hợp bị cấm đoán trong yêu đương đã có hành động dại dột như tự tử. Việc tuyên truyền, vận động các em cũng như gia đình đòi hỏi sự mềm mỏng. Bởi vì, hầu hết các trường hợp tảo hôn đều được bố mẹ đồng ý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quyết liệt xử phạt những trường hợp tảo hôn (đã có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính). Qua đó, mang lại hiệu quả tuyên truyền tích cực” - Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng chia sẻ.
Nhiệm vụ chính trị
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, ngay sau Tết, khi nắm được danh sách số học sinh nghỉ học, có nguy cơ bỏ học, các thành viên của Tổ vận động đã có kế hoạch vận động cho từng trường hợp. Đối với những trường hợp do điều kiện khó khăn, công tác vận động dễ dàng hơn. Một số trường hợp cha mẹ muốn cho con đi học nhưng các em nhất quyết không trở lại trường khiến công tác vận động cần sự kiên trì và quyết tâm cao. “Tổ vận động không ngại khó, ngại khổ. Thậm chí có những bản cách trung tâm xã gần 20 km phải đi bằng thuyền như: bản Cà Moong, Xốp Cháo nhưng Tổ vận động vẫn đến tận nơi động viên các em đến trường. Nếu lần 1 không được, thành viên của Tổ sẽ tiếp tục đi lần 2, lần 3… Làm nhiệm vụ vận động học sinh trở lại trường, ngoài trách nhiệm cần có tình thương và sự sẻ chia.” - ông Vi Đình Phúc tâm sự.
Thực trạng học sinh không trở lại học sau kỳ nghỉ dài ngày diễn ra thường xuyên. Do đó, huyện Tương Dương đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thực trạng này. Bà Võ Thị Tuyết Chinh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, ngay trước Tết, Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động nhằm hạn chế học sinh bỏ học sau Tết. Tuy nhiên, số lượng học sinh vắng học vẫn còn khá nhiều. Do đó, huyện đã chỉ đạo quyết liệt ngành Giáo dục, các địa phương và nhà trường thành lập các đoàn đi vận động học sinh; đồng thời chỉ đạo các trường học tổ chức nhiều hoạt động thu hút học sinh đến trường. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện.
Bài cuối: Những giải pháp căn cơ