Tận dụng sự linh hoạt
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đại đa số học sinh, sinh viên nước ta phải chuyển sang hình thức học online.
Tuy nhiên, đây không phải hình thức học quá mới lạ. Hình thức học này xuất hiện tại Việt Nam từ lâu và đã được nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn như phương án bổ trợ kiến thức ngoài giờ lên lớp, trở thành chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Câu chuyện của tân sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Thành Luân là một ví dụ. Thành Luân từng tốt nghiệp hệ cao đẳng của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và làm kỹ thuật viên xét nghiệm tại một phòng khám tư được nhiều năm. Sau 9 năm rời xa giảng đường, Thành Luân vẫn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa.
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thành Luân đạt được 28,1 điểm khối B, vừa đủ điểm đỗ ngành Y đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội.
Thành Luân cho biết: “Ở lần thử sức năm ngoái, tôi trượt khi thiếu 0,25 điểm. Sau lần ấy, tôi đã quyết tâm thi tiếp và đặt mục tiêu cao hơn. Tháng 12/2020, tôi bắt đầu ôn luyện. Do tính chất công việc, tôi chỉ có thể học đêm, vì vậy, tôi lựa chọn tiếp tục đăng ký các khóa học online có bài giảng thu hình sẵn của HOCMAI để có thể học được mọi lúc mọi nơi. Thêm vào đó, tôi sử dụng nhiều tài liệu từ năm trước để ôn luyện”.
Bận rộn với công việc ở phòng khám, Thành Luân tranh thủ những lúc vắng bệnh nhân để xem video bài giảng. Buổi tối, anh học từ 22 - 24 giờ đêm, có ngày tới 2 giờ sáng hôm sau, hôm nào bận cũng cố gắng ôn ít nhất hai tiếng.
Học online gặp nhiều khó khăn khi không tương tác được với thầy giáo. Nếu có thắc mắc, Luân cũng không được giải đáp ngay. Tuy nhiên, chưa hiểu phần nào, Luân chủ động để lại bình luận, sẽ có trợ giảng giải thích hoặc thầy giáo gọi điện hỗ trợ.
“Với mình, đây là hình thức học vô cùng tiện lợi. Không chỉ chủ động học mọi lúc mọi nơi, mình còn được các thầy tư vấn, hướng dẫn tận tình và giúp mình có được lộ trình ôn luyện phù hợp”, Thành Luân cho biết thêm.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI là người trực tiếp hướng dẫn thí sinh Thành Luân ôn thi môn Sinh học cho rằng, cơ hội đỗ của thí sinh này rất cao. "Quả ngọt cuối cùng đã đến với Luân và gia đình sau bao nhiêu năm nỗ lực. Đó là món quà vô giá", thầy Công cho hay.
Học sinh có kỹ năng tự học sẽ thành công
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, cũng như chuyên gia giáo dục, khi lớp học truyền thống đóng, mở ra lớp học trực tuyến, kỹ năng tự học, vượt khó trong mỗi học sinh sẽ được chứng thực. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm nay có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhờ có kỹ năng tự học online.
Em Dương Minh Thắng, tân sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, mặc dù năm học của em bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, không thể đến trường học hay các lớp học bổ trợ truyền thống, song, em đã tự tìm ra các phương pháp khác cho mình.
“Ngoài học online trên lớp, em còn chủ động đăng ký thêm các khóa học online bổ trợ khác, học với giáo viên nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm, được trau dồi thêm kiến thức và nâng cao kỹ năng giải quyết các câu vận dụng cao. Nhờ đó, em đã đạt được 26,6 điểm khối A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và chinh phục được nguyện vọng mà em mơ ước từ lâu”, Minh Thắng cho biết.
Em Đoàn Minh Dũng (tân sinh viên ngành Cơ điện tử của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) chia sẻ niềm vui sướng tột độ vì đỗ đại học với mức chênh chỉ 0,1 điểm so với điểm chuẩn. Điểm thi khối A của Dũng là 26,85, trong khi điểm đầu vào của ngành mà em xét tuyển là 26,75.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm với thí sinh khoá sau, Đoàn Minh Dũng cho hay, việc dư ra 0,1 điểm của em cũng đủ sức để cạnh tranh. Đây chính là điều mà các em sinh năm 2004 cần phải nhìn nhận, từ đó có cách học, ôn luyện phù hợp để có thể làm đúng được nhiều câu nhất, tăng thêm cơ hội đỗ đại học cho mình.
Theo nhiều giáo viên, năm học 2021 - 2022, việc học online vẫn gần như “chủ đạo”, thì chìa khoá để các em bước vào giảng đường đại học vẫn chính là khả năng tự học, phân bố thời gian hợp lý giữa học online, học qua truyền hình hoặc tham gia các khoá học để có được kiến thức.