Theo quy định của Luật Giáo dục: Trẻ mầm non có quyền được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT). Tuy nhiên, thực tế chưa làm được như vậy. Tình trạng quá tải các trường công lập ở thành phố, trường tư mọc lên với kinh phí cao phụ huynh không đủ chi trả khiến không ít trẻ chưa được hưởng sự ưu đãi này…
“Giật gấu vá vai”
Chị Vũ Thu Hải (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) có hai cháu đều ở độ tuổi đi nhà trẻ. Cháu lớn 4 tuổi và cháu thứ hai 19 tháng tuổi. Chị Hải tâm sự: “Cháu lớn đã được vào học trường mầm non Ngọc Thụy, còn cháu thứ hai không thuộc diện, tôi đành cho cháu học trường tư thục. Tiền học mỗi tháng cho cháu bé ở trường mầm non Việt Đức (trường mầm non tư thục trên địa bàn phường Ngọc Thụy) gấp 4 lần cháu lớn nhưng tôi vẫn phải chấp nhận. Ở trường công, họ không nhận cháu nhỏ vì nói nhường lớp để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp”.
Từ sáng sớm, các phụ huynh đã phải xếp hàng ở cổng trường để đăng ký học cho con em mình. Ảnh: Lê Phú |
Dù trường tư thục có những khoản “thoải mái thu” nhưng chị Hải vẫn phải gửi con vì: “Mức thu hơn 2 triệu đồng/tháng là mức thu khiêm tốn hơn so với những trường mầm non tư thục cao cấp khác của phường Ngọc Thụy” – chị Hải chia sẻ.
Ở xóm của chị Hải, một số gia đình không đến được trường mầm non tư thục do học phí cao so với mức thu nhập, họ đành tìm một người đã nghỉ hưu ở trong làng và tập trung trẻ lại trông hộ. Chị Hải cho biết: “Ở bất cứ đâu, nhà nước hay doanh nghiệp thì thời gian nghỉ thai sản chỉ 4 tháng là phải đi làm. Gia đình nào may mắn có bà nội, hay ngoại lên trông thì tốt. Có điều kiện chút thì thuê giúp việc, không thì đành phải tính tới việc liên kết các nhà để thuê người trông giúp”.
Khi đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 -2015 được Chính phủ phê duyệt thì 100% trường công lập đều ưu tiên cho nhóm trẻ 5 tuổi ra lớp và hạn chế nhận nhóm trẻ 2, 3 tuổi. Chẳng hạn, trong bảng thông báo tuyển sinh năm 2011 của hai trường mầm non công lập trên địa bàn phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều ghi rõ số lượng trẻ được tuyển sinh chỉ có giới hạn so với mật độ dân số cao gấp nhiều lần ở địa bàn này. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (Hà Nội) cho biết: “Việc phân bố chỉ tiêu cho các trường mầm non cũng phải căn cứ vào cơ sở vật chất, điều kiện giáo viên. Không thể nhận quá nhiều nhưng không đảm bảo chất lượng dạy và học”. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến cuối năm học 2010 - 2011 còn 6 phường thiếu trường mầm non công lập (quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng).
Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, tỷ lệ huy động trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc còn hạn chế, nhất là trẻ dưới 3 tuổi (đạt tỷ lệ là 21,5%), tiếp đó là trẻ mẫu giáo (đạt tỉ lệ là 82,5%). Đặc biệt nhu cầu gửi trẻ bé dưới 2 tuổi ở các nhà trẻ để cha mẹ tham gia lao động sản xuất tại các địa phương đang là nỗi bức xúc lớn. Tại các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp phát triển, các đôi vợ chồng công nhân trẻ có nhu cầu gửi con nhưng các cơ sở trông trẻ rất hạn chế nên bắt buộc họ phải gửi con tại các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát không đảm bảo chuyên môn và an toàn, nhiều nguy cơ luôn rình rập.
Điệp khúc “nơi thừa, nơi thiếu”
PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD – ĐT đưa ra dẫn chứng: Năm học 2006 – 2007, tỷ lệ trẻ đến trường là 19,42%. Đến năm học 2010 – 2011, tỷ lệ này đã tăng lên là 21,5% đến các nhà, nhóm trẻ nhưng vẫn còn là thấp. Hiện nay, ở khu vực đông dân cư trong thành phố, thị xã, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…, các cơ sở giáo dục mầm non, (đặc biệt là nhà, nhóm trẻ cho các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình, thu nhập thấp) còn rất thiếu. Tình trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có giải pháp tháo gỡ.
PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết cho hay, ngay trong các quận nội thành Hà Nội, quy hoạch các dự án xây dựng khu dân cư đã không dành đủ quỹ đất cho các cơ sở giáo dục mầm non, hoặc có dành quỹ đất cho trường nhưng đã thực hiện xã hội hóa, giao cho tư nhân quản lí. Nhiều trường do tư nhân quản lí, được hưởng ưu đãi của chính sách xã hội hóa nhưng lại xây dựng trường mầm non “dịch vụ chất lượng cao”, nhiều trường có yếu tố đầu tư nước ngoài. Những trường này đáp ứng nhu cầu cho bộ phận các gia đình có thu nhập cao. Và một tất yếu là con em của những gia đình có thu nhập trung bình chứ chưa nói đến thu nhập thấp không có điều kiện vào những trường như thế, phải tìm đến trường khác dù ở rất xa nhà. “Một nghịch cảnh là ngay trong địa bàn một quận, có trường thừa chỗ cho trẻ học mà trẻ con gia đình nghèo vẫn thiếu chỗ học. Các trường công lập thì hầu như đều trong tình trạng quá tải về sĩ số” – bà Tuyết chia sẻ.
Hiện nay mức chi cho tiền ăn của trẻ ở những cơ sở giáo dục mầm non như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thường từ 35.000 – 40.000 đồng/ngày. Trong khi ở những vùng kinh tế chậm phát triển, cơ sở phòng học, lớp học chưa được xây dựng kiên cố, thiết bị, đồ chơi rất nghèo nàn, có nơi thiếu công trình vệ sinh, nước sạch cho trẻ. Có trường không đủ điều kiện để tổ chức ăn bán trú cho trẻ và nếu tổ chức thì bữa ăn của trẻ chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/ngày. Nhận định về thực tế này, PGS. TS Lê Thị Ánh Tuyết nhận xét: “Phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền (thậm chí trong cùng một vùng) về giáo dục mầm non là một tất yếu hiện nay bởi điều kiện tự nhiên, mức độ phát triển kinh tế xã hội có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Điều cần nói là chính sự phân cực trong thu nhập của cha mẹ trẻ cộng thêm chính sách hỗ trợ chưa hợp lý và chặt chẽ đã làm cho khoảng cách trong hưởng thụ giáo dục mầm non của trẻ ở vùng thuận lợi, phát triển với vùng kém phát triển ngày càng mở rộng”.
Lê Vân
Bài 2: Lương thấp phải tìm cách “xoay”