Thiếu hình dung chung
Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực. Chương trình chia thành hai gia đoạn, giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Năm học 2020 - 2021 sẽ áp dụng đối với lớp 1.
Đến nay, giáo viên vẫn làm theo cách dạy cũ, phương pháp đã cũ, trong khi tài liệu tập huấn theo chương trình giáo dục phổ thông mới “lỗi hẹn” với giáo viên.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Sinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ chia sẻ: “Phú Thọ đang thiếu giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học. Giáo viên tiểu học mới chỉ chủ yếu dạy kiến thức đang có ở sách giáo khoa. Cấp quản lý hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn mới kiểm tra việc đánh giá giáo viên thông qua việc dạy có hết bài hay không, mà chưa có động thái kiểm tra dạy phát triển năng lực”.
“Trong khi đó, một trong 3 nội dung quan trọng mà Phú Thọ đã triển khai 5 năm nay theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh tiểu học là đánh giá thường xuyên - đây là nội dung cơ bản trong bồi dưỡng giáo viên theo chương trình phổ thông mới - thì giáo viên chưa làm được. Giáo viên, quản lý vẫn đánh giá theo cách cũ, dẫn đến việc tuyển sinh đầu vào lớp 6 vẫn coi trọng điểm số. Với cách làm này sẽ khó triển khai được chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Nguyễn Thúc Sinh cho biết.
Một nguyên nhân nữa ông Nguyễn Thúc Sinh đưa ra là hiện nay tài liệu tập huấn cho giáo viên chưa có khiến cán bộ quản lý cũng như giáo viên khó có hình dung chung.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho cho biết: "Theo kế hoạch tài liệu tập huấn phải gửi đến các thầy cô từ 15/3/2019 nhưng đến nay chưa có. Những tháng vừa qua, nhiều thầy cô dạy lớp 1 rất quan tâm tới tài liệu này. Mặc khác, những tài liệu này phải phù hợp với giáo viên tiểu học. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các trường ĐH Sư phạm trọng điểm viết tài liệu tập huấn là đúng đắn, nhưng kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên trường sư phạm vẫn chưa đầy đủ. Trong khi cái mà các cán bộ quản lý tiểu học cần là quan tâm thực tiễn triển khai ra sao. Tôi mong các thầy cô ở trường sư phạm khi xây dựng tài liệu tập huấn cần phải “sống, ăn, ngủ” tại cơ sở thì mới có tài liệu thực tiễn được”.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông, Chủ biên Chương trình môn Toán cho biết: "Khi xuống trường phổ thông dạy, tôi thấy giáo viên không phải là quá kém về vốn hiểu biết trong đầu và về kỹ năng dạy học, cái kém là hiểu biết chung về chương trình giáo dục phổ thông mới. Cái mà giáo viên muốn nghe là những vấn đề chung về chương trình mới về môn Toán, đặc biệt là bậc tiểu học. Nhưng cách dạy hiện nay vẫn còn tư duy dạy theo "sách giáo khoa trước mặt", cách này không cần thiết so với tình hình hiện nay nữa. Vì yêu cầu của chương trình mới, giáo viên phải phân tích được chương trình, phải huy động vốn tự có để triển khai. Bước tập huấn sách giáo khoa là công việc của các nhà xuất bản”.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng: "Nếu cứ thi như tuyển sinh vào 10 Hà Nội vừa rồi, về cơ bản chương trình giáo dục phổ thông mới về môn Toán “chết từ trong trứng". Còn thi như thế sẽ dạy như thế, học như thế thì sẽ thất bại với chương trình giáo dục phổ thông mới".
Phát huy cái đã có và học cái mới
GS.TSKH Đỗ Đức Thái nêu: Để tập huấn cho giáo viên cho hiệu quả phải có 2 chiều. Đó là, người nói nói cái gì đến giáo viên là hiệu quả, và chiều ngược lại là người giáo viên tiểu học muốn được nghe cái gì là hiệu quả.
"Nếu tôi là người đi tập huấn giáo viên tiểu học về môn Toán, tôi muốn nói đến họ cái gì và nói cái gì tôi cho là hiệu quả. Vì buổi tập huấn không dài. Việc đầu tiên tôi nói cho họ nghe về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, "ngôi nhà chung" giáo dục phổ thông sau 2020, ý tưởng, triết lý là gì, quan trọng nhất là gì… Sau nội dung này mới nói về những vấn đề cụ thể cần triển khai. Nhiều kiến nghị cho rằng, để triển khai thì trước hết giáo viên cần nắm khung chung của chương trình. Muốn thế cần bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tuyến", GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho biết.
“Bộ cần sớm tải tài liệu trực tuyến lên mạng để giáo viên nắm được khung chung. Khi đến tập huấn, giáo viên mới có kiến thức để thảo luận, học hỏi và triển khai”, ông Nguyễn Thúc Sinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: "Chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh là giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có nhiều nhưng khi chúng tôi dự giờ sẽ đánh giá việc thầy cô làm việc nhiều hơn hay học sinh làm việc nhiều hơn hay thầy cô kiểm soát được hoạt động của học sinh không".
“Tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên phải được thiết kế qua các hoạt động. Dự án phát triển giáo dục tiểu học những năm trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Việc bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng lại từng đợt mà phải cả quá trình. Vì chương trình bồi dưỡng thường xuyên đang đặt nặng vấn đề tự học của học sinh. Đề nghị mỗi nơi, nên cho 20% giáo viên đi bồi dưỡng trực tiếp tại các trường sư phạm”, ông Nguyễn Quang Vinh đề nghị.
Đồng ý về việc tận dụng những thành quả của dự án bồi dưỡng giáo viên tiểu học trước đây, bà Bế Hồng Hạnh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc đổi mới bồi dưỡng giáo viên cần, trước tập huấn giáo viên phải có tài liệu, cập nhật hơn, thậm chí trước tập huấn giáo viên phải được xem phải được xem bài giảng trực tuyến của các chuyên gia. Khi giáo viên hiểu ý đồ của chuyên gia sẽ tiến hành thảo luận. Điều này sẽ giảm kinh phí rất nhiều cho Nhà nước.
Trước những vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, hiện nay Bộ đã giao cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm, trong đó có ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Ban soạn thảo chương trình cùng với trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai nhiệm vụ biên soạn tài liệu tập huấn. Tài liệu sẽ phản ánh được tình hình chung của chương trình.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, cần tăng cường các hình thức bồi dưỡng giáo viên như trực tuyến và qua mạng. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế dạy 2 buổi/ ngày cho bậc tiểu học, do đó địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện mọi cơ sở vật chất để thực hiện song song với vấn đề bồi dưỡng đội ngũ.