"Mất sóng online", giáo viên tới tận nhà giao bài
Đắk Lắk là một trong những địa phương có nguy cơ thấp với dịch COVID-19. Địa phương này triển khai dạy học onlines từ đầu mùa dịch và từ ngày 1/4 đã triển khai dạy qua truyền hình với 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk cho biết: Tỉnh có nhiều học sinh sinh vùng sâu, vùng xa, nên ngoài dạy học qua internet, trên truyền hình, các giáo viên còn đến tận nơi giao bài trực tiếp cho học sinh, nhất là với cấp tiểu học.
“Các giáo viên nỗ lực, có tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của cán bộ đoàn, phụ huynh giúp học sinh học tập trong thời gian nghỉ ở nhà. Tỉnh đang vào mùa phát nương làm rẫy, các em học sinh phải tham gia lao động cùng gia đình, do đó việc triển khai học từ xa gặp không ít khó khăn”, ông Phạm Đăng Khoa cho biết.
Cùng quan điểm, bà Bùi Thu Thuỷ, Trưởng phòng đào tạo trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) chia sẻ: Đây là mùa làm nương rẫy, nhiều phụ huynh không đồng ý cho con học online, mà bắt đi làm. Nhà trường đã phải thuyết phục nhiều lần, gửi tiền mua 3G, với những học sinh gia đình khó khăn hỗ trợ tiền mua điện thoại để các em học online. Song, cũng không thể huy động được hết học sinh tham gia.
"Những hình ảnh học sinh của trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc “vớt sóng” ở trên nương, rẫy, lán dọc đường được đoàn trường triển khai đã nhận được sự đồng cảm của xã hội. Dù điều kiện khó khăn, nhưng tinh thần học tập của nhiều em khiến nhà trường càng thêm nỗ lực", bà Bùi Thu Thuỷ chia sẻ.
Tại Điện Biên hiện có khoảng 73% học sinh bậc THPT được học từ xa, qua internet, trên truyền hình hoặc giao bài tập trực tiếp. Theo ông Cù Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, đây là nỗ lực rất lớn, bởi Điện Biên là tỉnh miền núi có 40% hộ nghèo, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa chưa có mạng internet, sóng điện thoại tới nơi. Để triển khai được việc dạy học từ xa, ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức rà soát tới từng học sinh để nắm được khả năng tiếp cận việc học của các em, với những trường hợp học sinh không thể học qua internet hay truyền hình, các trường học sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chuyển tải nội dung, phát phiếu học tập trực tiếp đến các em.
Còn tại Thanh Hoá với 11 huyện miền núi, tỉnh đã thành lập nhóm giáo viên, tổ chức bài giảng và cho 2 khối lớp 9 và 12 trên Đài Truyền hình Thanh Hóa. Đối với các khối khác, ở những nơi có điều kiện, ngành Giáo dục triển khai dạy học trực tuyến, phối hợp với phụ huynh tăng cường quản lý hỗ trợ học sinh tự học, kể cả bậc mầm non.
Các địa phương khác như Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Giang, Tuyên Quang đang “căng mình” với học trực tuyến, huy động tất cả các nguồn lực địa phương để tổ chức dạy học qua internet, truyền hình. Đến nay, ở cấp THPT đã có gần 80%, THCS có 70% học sinh tham gia học tập theo các hình thức này.
Cần hạ tầng băng thông tốt và chính sách đặc thù
Ông Phạm Đăng Khoa đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những hỗ trợ địa phương về hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống học liệu, nhất là các bài giảng mới để triển khai dạy học qua internet, truyền hình.
“Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk mới triển khai giai đoạn 1 dạy học trên truyền hình, giai đoạn 2 sẽ mở rộng dạy thêm các môn thi THPT quốc gia đối với lớp 12 và 3 môn đối với lớp 9. Vì vậy, rất cần Bộ hỗ trợ bài giảng để địa phương thuận lợi trong thực hiện”, ông Phạm Đăng Khoa cho hay.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: "Các địa phương, nhất là địa phương khó khăn đã thể hiện quyết tâm lớn, tiếp cận nhanh với yêu cầu mới, có 70 - 80% học sinh bậc THPT ở các địa phương khó khăn được học trực tuyến, học qua truyền hình là con số cho thấy nỗ lực lớn của các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh”.
Theo Thứ trưởng, yếu tố thành công trong dạy trực tuyến đầu tiên là cơ sở hạ tầng, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông để có hỗ trợ địa phương. Các địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án dạy bù khi các em quay lại trường học; đồng thời, quán triệt đây là nhiệm vụ để không có tâm lý vì nghỉ dạy mà làm việc với tinh thần không cao.
Để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dường trực tuyến cho giáo viên các địa phương.
Có hạ tầng tốt, người quản lý quyết liệt, giáo viên chất lượng, tâm huyết, nhưng học sinh thiếu động lực học tập, phụ huynh thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình không thể thành công.
Bộ GD&ĐT cũng đang tính toán các phương án đảm bảo an toàn, cũng như phân bố chương trình để đón học sinh trở lại trường.