Mong học sinh được tiếp cận với đổi mới giáo dục
Cô giáo H’ Phen ÊYa, người dân tộc M’Nông, Trường mầm non Ea T’ling huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông có 14 năm gắn bó với giáo dục mầm non.
Cô giáo H’ Phen Êya tâm sự: “Nhìn lại chặng đường mà tôi gắn bó cùng bao thế hệ học sinh tại ngôi trường này, tôi ước rằng mình có thể làm được những điều gì tốt nhất cho các em học sinh nơi đây để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhất là trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm được điều này rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Nhà trường, gia đình và xã hội. Bản thân tôi là tổ trưởng chuyên môn, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, tôi còn tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, phối hợp với các ban ngành đoàn thể tổ chức cho trẻ đi tham quan các di tích lịch sử như: Bảo tàng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk; thăm doanh trại Đại đội Bộ binh 4 ở xã Đăk Đrông, huyện Cư Jút; thăm vườn hoa ở công viên thị trấn Ea T’ling … tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, khám phá ở môi trường bên ngoài nhà trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng và phát triển ngôn ngữ cho trẻ…”.
Theo cô giáo H’ Phen Êya, qua một thời gian thực hiện đồng bộ các phương pháp, biện pháp cũng như thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong và ngoài nhà trường chất lượng chăm sóc- giáo dục trẻ đặc biệt là trẻ người đồng bào dâm tộc thiểu số tại chỗ đã từng bước được nâng cao.
Cô Giáo H’ Phen Êya đề nghị Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hơn nữa, có thêm nhiều chính sách đối với trẻ em người dân tộc thiểu số tại chỗ như: Cấp đồ dùng, tài liệu, sách vở, dụng cụ, thiết bị học tập để các nhà trường có thêm phương tiện, thiết bị dạy và học từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số và tại chỗ...
Cô giáo Quách Thị Hằng, Trường Tiểu học Yên Lạc, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình và là người dân tộc Mường đã có 30 năm gắn bó với nghề giáo. Vượt qua những khó khăn của vùng khó, cô giáo Quách Thị Hằng luôn nỗ lực đổi mới để học sinh được tiếp cận với kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Video cô Quách Thị Hằng chia sẻ:
Gần đây, cô giáo Quách Thị Hằng tham gia dạy chuyên đề giáo dục STEM cấp tỉnh với tiết dạy “Sự kỳ diệu của những hình khối”. Tiết dạy được đánh giá là thành công, sáng tạo và hiệu quả được áp dụng cao trong các khối trường tiểu học trong huyện và trong toàn tỉnh; Sáng kiến “Tích hợp hình thức hoạt động mở rộng của tiết Đọc thư viện"vào hoạt động thực hành một số bài của môn Khoa học lớp 5” của cô được công nhận sáng kiến cấp trường và được đề nghị công nhận cấp huyện.
“Để học sinh đến trường đã là khó nhưng để học sinh tiếp cận với chương trình mới lại càng khó hơn. Những năm qua, giáo dục ở huyện Lạc Thủy có nhiều khởi sắc khi có sự quan tâm của các cấp Ủy, chính quyền. Giáo viên được đi tập huấn, được linh hoạt trong cách giảng dạy. Nhưng tôi vẫn mong rằng, có thêm nhiều chính sách cho học sinh hơn nữa để các em được tiếp cận với những đổi mới của giáo dục một cách toàn diện”, cô giáo Quách Thị Hằng nói.
Người thầy của những học sinh yếu thế
Thầy giáo Nguyễn Văn Lên, sinh năm 1993, hiện đang là giáo viên tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây hơn 85% là người dân tộc thiểu số Hre.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lên chia sẻ: “Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền mà giáo dục huyện Ba Tơ được ưu tiên hàng đầu. Nhờ những quan tâm đó, mà Trung tâm GDNN-GDTX Ba Tơ có cơ sở vật chất khang trang hơn, góp phần vào việc dạy và học được thuận lợi hơn”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lên tâm sự: "Tôi nhận thấy thầy cô đang công tác tại các Trung tâm GDNN – GDTX ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Có những nơi đường xá đi lại rất khó khăn, mùa nắng bụi bay đầy mặt, đầy người, mùa mưa thì sình lầy hơn nửa bánh xe, giáo viên đi dạy còn phải lo núi bị sạt lở, lũ nguồn về".
Ngoài những khó khăn về mặt địa lý, các Trung tâm GDNN – GDTX ở vùng cao như thầy Lên phải đối mặt với những vấn đề đó là: số lượng học viên thì ít, chất lượng đầu vào không cao, thiếu kỹ năng sống, nhà các em thì xa trường, ngại giao tiếp, phản ứng chậm, ngại đám đông nên tổ chức các hoạt động Đoàn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là vấn đề các em nghĩ học, đi học giã gạo. Ở nơi đây, các em có thể là một trong những trụ cột chính trong gia đình của mình, ngoài việc học các em còn phải làm việc phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Các em còn bị lôi kéo từ bạn bè đã nghỉ học và đã đi làm về một việc làm có mức lương cao, hấp dẫn.
“Với cương vị là một Bí thư Đoàn trung tâm, tôi luôn cố gắng đưa ra những phương pháp để tạo cho hoạt động Đoàn tại trung tâm sôi nổi, lôi cuốn các em tham gia. Nhằm rèn luyện, giáo dục cho các em về kiến thức, kỹ năng sống và loại bỏ dần tư tưởng nghỉ học giữa chừng. Tôi luôn là người đi đầu trong công tác vận động học viên trở lại trường để hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học, nghỉ học của các em. Dẫu trời mưa hay nắng những người thầy giáo, cô giáo chúng tôi phải lội qua sông, suối, những con đường khó đi nhất để đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Tôi đã hơn 20 lần làm điều đó”, thầy giáo Nguyễn Văn Lên nói.
Tại Quảng Ngãi, đa số các trung tâm GDNN – GDTX ở các huyện miền núi đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, thầy Lên cũng như những giáo viên ở trung tâm nhìn thấy được sự cần thiết của việc tồn tại trung tâm nơi giành cho những em yếu thế, không đủ điều kiện vào các trường THPT. Nên đã đấu tranh, bảo vệ sự tồn tại của trung tâm và đến hôm nay đã đạt được một số kết quả tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, luôn đứng top đầu trong nhóm các trung tâm GDNN - GDTX của tỉnh. Nhiều năm liền, trung tâm được UBND huyện tặng giấy khen.
Thầy Nguyễn Văn Lên mong muốn, các em học viên ở trong các trung tâm GDNN – GDTX đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không nhận được chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn như những bạn bè cùng trang lứa đang học ở trường THPT. Các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến các em học viên và các trung tâm GDNN-GDTX. Đặc biệt là quan tâm đến chế độ cho các em học viên đang tham gia học tại các cơ sở GDTX ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn vùng miền núi, biên giới và hải đảo.