Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” cho học sinh các cấp trên địa bàn. Từ khi triển khai đến nay, đề án đã giúp hơn 9.000 học sinh tại Nam Định tiếp cận với phương thức giáo dục mới hiệu quả.
Hòa chung không khí những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, học sinh trên địa bàn thành phố Nam Định đã có dịp tham gia chương trình bằng việc tham gia trải nghiệm các quy trình gói bánh chưng, thi bày mâm ngũ quả và tìm hiểu về tục cho chữ đầu năm tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. Đây là một trong các sân chơi kiến thức thực tế thuộc đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa tại nhiều điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Để giúp các em học sinh tìm hiểu nhiều hơn về một trong những nét văn hóa, phong tục đậm nét cổ truyền của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã mời đại diện từ nhiều gia đình có nghề làm các loại bánh cổ truyền lâu năm tại thành Nam tới nói chuyện về sự tích và ý nghĩa của phong tục làm bánh chưng bánh dày ngày Tết, đồng thời hướng dẫn các em quy trình chuẩn bị nguyên liệu, cách thức và các công đoạn giúp làm nên một tấm bánh ngon, vuông vắn và đẹp mắt. Em Trần Bích Thảo (học sinh lớp 9D trường THCS Quang Trung, thành phố Nam Định) chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em được tham gia hoạt động ngoại khóa tại các bảo tàng, thư viện. Đối với chúng em, những tiết học này không chỉ lý thú, bổ ích mà còn như một quãng thời gian “giải lao” sau những tiết học miệt mài trên lớp, học mà chơi, chơi mà học.”
Không chỉ hào hứng với công việc gói bánh, các em học sinh còn được thể hiện sự hiểu biết, khéo léo của mình thông qua hoạt động tham gia phần thi bày mâm ngũ quả để thờ cúng và trang trí trên bàn thờ gia tiên. Khi phần thi kết thúc, bốn đội dự thi lần lượt thuyết trình về ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết do chính các em chuẩn bị để nhận được sự đánh giá của Ban giám khảo.
Một món quà rất đặc biệt khác mà những người tổ chức hoạt động ngoại khóa muốn dành tặng cho các em học sinh tham gia chương trình, đó là giúp các em tìm hiểu về tục xin chữ cầu may đầu năm mới. Bên cạnh phong tục gói bánh chưng ngày Tết, đây cũng là một nét đẹp khác trong truyền thống Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, không chỉ thể hiện sự coi trọng tri thức, chữ nghĩa mà còn gửi gắm tâm thế luôn mong cầu điều bình an may mắn, phúc lộc đầy nhà…của mỗi người nhân dịp đầu xuân.
Không chỉ riêng chương trình lần này mà tất cả hoạt động ngoại khóa được tổ chức tại các bảo tàng, thư viện, điểm đến văn hóa…tại Nam Định đều được nhiều cơ sở giáo dục và các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng trong suốt gần một năm qua. Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” được triển khai tại Nam Định đã giúp hơn 9.000 học sinh tại Nam Định được tiếp cận với phương thức giáo dục mới, hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của học sinh thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa, những buổi tọa đàm và các chương trình giao lưu văn hóa diễn ra tại nhiều điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cô giáo Trần Thị Minh Thu, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, thành phố Nam Định chia sẻ: “Nhà trường luôn cố gắng xây dựng những sân chơi kiến thức thực tế dành cho học sinh, qua ba lần tổ chức, chúng tôi nhận thấy các em rất hứng thú và háo hức với những tiết ngoại khóa ngoài không gian lớp học, nhờ vậy tiếp thu tốt hơn những kiến thức bổ ích mà các chương trình học ngoại khóa này mang lại”.
Ông Nguyễn Văn Thư – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, bảo tàng đã tổ chức hàng trăm chương trình hoạt động ngoại khóa cho các trường tiểu học và trung học cơ sở, như tổ chức các trò chơi dân gian kéo co, múa rối nước, thi cắm hoa, cắm trại; hướng dẫn học sinh tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử xã hội tỉnh Nam Định, với các chủ đề: “Nam Định – Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Văn hóa thời Lý trên đất Nam Định”, “Hành cung Thiên Trường qua hệ thống di sản văn hóa thời Trần”, “Sưu tập hiện vật thời Lê, Nguyễn”, “Dấu ấn Thành Nam xưa”, “Nhà máy Dệt Nam Định”, “Nam Định trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.
Ngoài các nội dung tham quan học tập tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” dành cho học sinh tại Nam Định còn kết nối những tuyến điểm di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh như quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dày, nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh và chùa Keo Hành Thiện tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường; bảo tàng thiên nhiên Vườn Quốc Gia Xuân Thủy tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy… để góp phần giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử văn hóa trên quê hương Nam Định.
Bên cạnh việc giúp các em có thêm nhiều kiến thức thực tế bổ ích, các chương trình còn lồng ghép tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân cho các em học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những hoạt động của đề án còn giúp phát huy giá trị của các điểm đến như bảo tàng, nhà văn hóa, quần thể di tích lịch sử - văn hóa… góp phần phát triển du lịch, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị lịch sử - văn hóa của Nam Định.