Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư và văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam, nhà trường đã chủ động tìm hiểu về 5 bộ sách để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. Việc tìm hiểu, nhận xét cũng được nhà trường thực hiện khá bài bản theo từng tổ nhóm và từng bộ môn. Sau đó, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa với 17 thành viên đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp đó, nhà trường đã chọn được bộ sách tổng hợp từ 5 bộ sách, gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý, để đề xuất phương án sử dụng cho năm học mới.
Cô Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Đến ngày 28/4, Hội đồng tuyển chọn của trường đã chọn xong bộ sách để giảng dạy trong năm học 2020-2021. Cụ thể: Môn Toán, Mỹ Thuật và Hoạt động trải nghiệm được chọn từ bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; môn Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội, Đạo Đức, Âm Nhạc được chọn từ bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”; môn Giáo dục Thể chất được chọn từ bộ sách “Cánh diều”; Môn Tiếng Anh được sử dụng bộ sách Phonics - Smart. Chúng tôi không chọn bê nguyên một bộ sách nào mà chọn riêng từng môn ở các bộ sách trên cơ sở tổng hợp đánh giá các ý kiến của các thành viên hội đồng chọn sách của trường.
Nhìn chung, những cuốn sách chúng tôi chọn có kênh hình, kênh chữ rõ ràng, dễ hiểu, rèn được tư duy sáng tạo cho học sinh; đồng thời, hướng tới rèn luyện năng lực tự học ngay từ đầu thông qua hình thức trình bày với các kí hiệu, biểu tượng, cũng như việc mô tả các hoạt động rõ ràng, ngắn gọn mà học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cảm thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu. Nhà trường chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình trước sự đánh giá của cơ quan chức năng và phụ huynh học sinh.
Cô Hương cho biết thêm, các giáo viên được chọn dạy lớp 1 theo chương trình đổi mới đã có sự chuẩn bị, tham dự đầy đủ các buổi tập huấn nghiệp vụ, tham gia giảng dạy các chương trình dạy học mới như “giáo dục VNEN” “phương pháp bàn tay nặn bột”… nên khi tiếp nhận bộ sách và chương trình mới, họ không bỡ ngỡ, dễ dàng tiếp thu và tìm được điểm nổi bật nhất. Giáo viên chính là những người chịu trách nhiệm giảng dạy sau này nên họ cũng ý thức được việc bỏ lá phiếu bầu chọn của mình.
Cô Nguyễn Thị Thu - Tổ trưởng tổ chuyên môn lớp 1 Trường Tiểu học Thanh Tân, huyện Thanh Liêm cho biết: Các thành viên trong tổ chuyên môn đã nghiên cứu kỹ danh mục sách quy định. Trong 5 bộ sách, chúng tôi căn cứ trên ưu điểm của từng bộ để chọn ra 1 bộ chung phù hợp với nhận thức của học sinh cũng như tình hình của địa phương. Đó là, môn Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội, Đạo Đức, Âm Nhạc Mỹ Thuật được chọn từ bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”; môn Giáo dục Thể chất được chọn từ bộ sách “Cánh diều”; môn Toán và Hoạt động trải nghiệm được chọn từ bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; môn Tiếng Anh được sử dụng bộ sách Phonics – Smart. Bộ sách mà Trường Tiểu học Thanh Tân lựa chọn được các giáo viên đánh giá là trình bày đẹp với nhiều hình ảnh sinh động; mỗi bài có trình tự sắp xếp liền mạch, rõ ràng, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong quá trình tiếp cận bài học. Đặc biệt, các bộ sách đã có sự kết nối, xây dựng cấu trúc bài học và chủ đề theo từng tiết học để giáo viên linh hoạt trong giảng dạy. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn với một xã huyện miền núi Thanh Tân, huyện Thanh Liêm như chúng tôi”.
Năm học 2020 -2021, Hà Nam dự kiến có trên 16.000 học sinh vào lớp 1 ở 122 cơ sở giáo dục tiểu học. Do vậy, để có lá phiếu chất lượng, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố ở Hà Nam, ngoài việc yêu cầu 100% các trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn, phẩm chất tốt vào hội đồng lựa chọn sách, Phòng còn làm cầu nối, chỉ đạo các trường tiểu học huy động phụ huynh có con đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở trường mầm non tại cùng địa phương tham gia tìm hiểu, lựa chọn sách. Cách làm này giúp hạn chế được việc bỏ phiếu mang tính hình thức, bởi chính họ cũng là người chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của con em mình khi bước vào lớp 1 năm học 2020-2021.
Chị Hoàng Thị Liên, ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng tỏ ra lo âu khi đón nhận thông tin thay sách giáo khoa hiện hành theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, khi được mời tham gia vào hội đồng lựa chọn sách, bên cạnh việc giành thời gian đọc kỹ 45 cuốn sách chị còn có những buổi thảo luận riêng với các phụ huynh khác trước khi lựa chọn lá phiếu của mình. Chị Liên cho biết: Khi tiếp cận bộ sách, đa phần các phụ huynh đều có nhận xét gần giống nhau. Điều chúng tôi quan tâm nhất là kiến thức và khả năng thúc đẩy học sinh học tập trong nhà trường không quá tải nhưng cũng không quá hời hợt.
Ngoài các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 07/2020/ QĐ-UBND ngày 31/3/2020 Quy định Bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Bộ tiêu chí được lấy ý kiến góp ý của các sở ban ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục làm căn cứ khi chọn sách giáo khoa cho phù hợp. Việc lựa chọn sách tại Hà Nam được thực hiện theo nguyên tắc người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông là hiệu trưởng sẽ thành lập hội đồng, mỗi trường một hội đồng riêng để chủ động chọn sách giáo khoa dựa trên tiêu chí: phù hợp với năng lực học tập của học sinh, đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học ở các cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam nhấn mạnh: Việc lựa chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh Hà Nam được thực hiện với phương châm chất lượng chuyên môn đặt lên hàng đầu, có nghiên cứu sâu, lựa chọn kỹ, chủ động chuẩn bị để lựa chọn bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt phù hợp với điều kiện thực hiện giáo dục ở Hà Nam.
Ngoài mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam yêu cầu trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa, các nhà trường bên cạnh việc quan tâm xem xét nội dung sách cần chú trọng việc rèn cho học sinh khả năng tự học, tự bồi dưỡng phẩm chất và vận dụng kiến thức đã học cho học sinh ở mức độ nào và chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn của đơn vị mình.