Theo đó, đối chiếu các quy định và tiêu chí của thành phố, hướng dẫn liên ngành Giáo dục và Đào tạo - Y tế, qua rà soát, kiểm tra, các trường đều bảo đảm các tiêu chí trường học an toàn. Các trường cũng đã xây dựng phương án dạy học phù hợp với thực tế của từng đơn vị, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý tình huống khi phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên có yếu tố dịch tễ khi đang dạy, học tại trường.
Học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó, các trường chủ động có phương án sẵn sàng ứng phó, chuyển trạng thái dạy học nếu bất ngờ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tinh thần cố gắng ở mức cao nhất để việc dạy học không bị gián đoạn.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, tính đến 17 giờ ngày 21/11, căn cứ vào yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo huyện đã quyết định cho học sinh khối lớp 9 của 7 xã, thị trấn trong tổng số 18 xã, thị trấn của huyện trở lại trường học trực tiếp từ ngày 22/11. Lãnh đạo huyện Mê Linh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra trực tiếp tại các trường học và kết luận, các trường đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn.
Tại huyện Sóc Sơn, bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, toàn huyện có 27 trường trung học cơ sở. Qua rà soát theo mốc thời gian của thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, hiện còn 3 xã có ca F0 là xã Phú Cường, Tân Dân và Hiền Ninh, nên các trường học thuộc địa bàn các xã này chưa thể đón học sinh trở lại trường. Tuy nhiên, trong 24 xã còn lại, có 5 xã đang nghi ngờ có ca F0, đêm 21/11 mới có kết quả xét nghiệm khẳng định. Việc cho học sinh ở các xã này đi học sẽ được quyết định căn cứ vào tình hình thực tế, bảo đảm đúng quy định và an toàn.
“Ngành giáo dục và đào tạo huyện Sóc Sơn luôn sẵn sàng các điều kiện đón học sinh trở lại trường. Các trường học đã tổ chức họp để rà soát, cập nhật các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhất là số lượng giáo viên đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch COVID-19. Chúng tôi đã yêu cầu các trường cập nhật liên tục, thường xuyên tình trạng giáo viên và học sinh để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong thời gian học sinh học trực tiếp tại trường, cũng như sẵn sàng cho tình huống phát hiện F0 khiến nhà trường chuyển sang học trực tuyến”, bà Trần Thị Thanh Huế cho biết thêm.
Trước đó, ngày 8/11, huyện Ba Vì là đơn vị đầu tiên được lựa chọn triển khai cho học sinh khối lớp 9 các trường trung học cơ sở trên địa bàn trở lại trường học trực tiếp. Sau hơn một tuần thực hiện, các trường học này đã đạt được kết quả tích cực. Với sự chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường trung học cơ sở của 30 xã, thị trấn của huyện đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 có tổng số 109 lớp với 3.949 học sinh, tỷ lệ học đạt 98,31%, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí thời gian đi học của học sinh cho phù hợp, chậm nhất trước ngày 24/11. Các trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.
Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường.