Giáo viên mầm non bán hàng online, làm giúp việc
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giáo viên mầm non ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đã phải nghỉ việc không lương. Nhiều giáo viên cho biết họ phải chuyển sang làm các công việc như bán hàng online, thực phẩm, giáo viên theo giờ, thậm chí cả nghề giúp việc… để duy trì cuộc sống ở thành phố.
Trước tình hình Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều giáo viên không đủ tiền thuê nhà trọ, duy trì cuộc sống phải về quê làm các công việc đồng ruộng, làm cỏ thuê…
Cô Nguyễn Thị Ngát (Giáo viên mầm non ở một cơ sở tư thục tại Hà Nội) cho biết: “Lương trung bình của giáo viên mầm non là 5 - 6 triệu đồng/ tháng. Với những người làm lâu năm có thể 7 - 8 triệu đồng. Nhưng mức lương này cũng chỉ đủ chi tiêu hàng tháng và một chút phòng thân ở thành phố. Ngay từ những đợt dịch năm 2020, em cùng một số đồng nghiệp phải làm thêm một số công việc khác để duy trì cuộc sống. Nhưng sang đến năm nay, chúng em chỉ có con đường là trở về quê”.
Không chỉ giáo viên nghỉ việc, nhiều chủ trường mầm non tư thục cũng ngán ngẩm, thậm chí phải dừng hoạt động cơ sở giáo dục. Một chủ cơ sở mầm non ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng cần 20 - 30 triệu đồng, chưa kể cần duy trì trả lương cho một số giáo viên chủ chốt. Tôi biết có những cơ sở phải dừng hoạt động vĩnh viễn vì không đủ tiền trang trải chi phí thuê mặt bằng, khấu hao…”.
Năm 2020 và năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có những tháng không thu học phí. Một số trường đã phải vay ngân hàng để trả lương cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch. Đơn cử, trong 3 tháng nghỉ dịch COVID-19 năm 2020, hệ thống giáo dục Lô mô nô xốp đã phải vay của cổ đông để trả lương cho giáo viên.
Mặc dù, các cơ sở giáo dục có nhận được những hỗ trợ về mặt vật chất nhưng cũng chỉ duy trì được 1, 2 tháng. Thừa nhận về thực trạng này, mới đây, bậc học giáo dục mầm non khi tổng kết năm học đã nhắc tới "những tổn thương chưa từng có" vì COVID-19.
Theo PGS TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường (cấp học khác vẫn thu được học phí do tổ chức dạy học trực tuyến). Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể.
Hà Nội ra Nghị quyết hỗ trợ giáo viên
Mới đây, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa có Nghị quyết số 15 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, giáo viên ở các cơ sở dân lập, tư thục nghỉ việc không lương được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Theo Nghị quyết này, giáo viên ở cơ sở giáo dục tư thục có những điều kiện sau được hưởng mức trợ cấp 1,5 triệu đồng/người:
Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.
Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ 1/5 - 31/12/2021 do cơ sở giáo dục đừng hoạt dộng để phòng, chống dịch COVID-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.
Mỗi đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Được biết, ngay tại các cơ sở giáo dục cũng có hình thức hỗ trợ với giáo viên như tặng lương thực, thực phẩm... Công đoàn ngành giáo dục hỗ trợ với những giáo viên khó khăn. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp này sẽ là bài toán nan giải với việc làm giáo viên, đặc biệt với những giáo viên mầm non.