Một tiết học môn Ngữ văn của học sinh trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Công văn được đưa ra trong bối cảnh một số phụ huynh học sinh, học sinh và các đối tượng bên ngoài xã hội có hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí hành hung, gây thương tích cho các thầy giáo, cô giáo diễn ra tại một số địa phương trong thời gian gần đây.
Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho rằng, các vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua là những hành động vi phạm pháp luật, trái với đạo lý “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu đến môi trường giáo dục, cần phải lên án mạnh mẽ và có biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua các vụ việc cho thấy ở các mức độ khác nhau cũng có nguyên nhân từ phía các thầy giáo, cô giáo và nhà trường. Một số thầy giáo, cô giáo thiếu kiềm chế, chưa có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, việc xử phạt học sinh vượt quá khuôn khổ quy định của ngành và thiếu tính giáo dục. Cá biệt có thầy giáo, cô giáo còn có hành vi xúc phạm danh dự và thân thể học sinh.
Bên cạnh đó, sự việc xảy ra còn do một số nhà trường chưa có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, để người bên ngoài dễ dàng ra vào trường học. Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường chưa có biện pháp phù hợp để bảo vệ an toàn cho giáo viên, khi có sự việc xảy ra không kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, phối hợp giải quyết.
Do đó, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đề nghị Công đoàn các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc từ các vụ việc vừa qua, tăng cường công tác quản lý giáo viên; xây dựng quy tắc ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, học sinh và gia đình học sinh phù hợp với chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Đồng thời, quan tâm tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng ứng xử sư phạm, kỹ năng quản lý học sinh cho giáo viên trong nhà trường. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giáo viên đánh mắng hoặc xử phạt học sinh trái với quy định của ngành.
Bên cạnh đó, cần củng cố mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh, phát huy vai trò của gia đình học sinh trong việc phối hợp với nhà trường quan tâm, chăm lo, giáo dục học sinh. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để tuyên truyền, giáo dục thái độ ứng xử, giao tiếp đúng mực giữa cha mẹ học sinh với thầy giáo, cô giáo để làm gương cho học sinh.
Ban Chấp hành Công đoàn các nhà trường cũng cần triển khai sâu rộng và thiết thực hơn nữa các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”. Các thầy giáo, cô giáo phải có lòng thương yêu học sinh như thương yêu con em mình, qua đó xây dựng tình cảm thầy - trò gắn bó, phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc và có biện pháp cảm hóa, giáo dục các em học sinh cá biệt.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học phải được tăng cường, nhà trường cần có quy định thời gian, địa điểm, cách thức đại diện gia đình học sinh gặp gỡ giáo viên khi có việc cần trao đổi. Đặc biệt, khi có tình huống phức tạp xảy ra, Ban Giám hiệu và Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường nhất thiết phải trực tiếp có mặt bên cạnh giáo viên để giải thích, thuyết phục và kịp thời ngăn chặn những hành vi quá khích của cha mẹ học sinh, học sinh và các đối tượng khác, khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết, đồng thời thông tin ngay về Sở Giáo dục - Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội.