Làm rõ những thắc mắc về đề thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 bắt đầu bằng môn Ngữ văn theo hình thức tự luận. Tuy nhiên, môn thi này kết thúc đã để lại những tranh cãi trong giới chuyên môn: Câu và ngữ liệu có phần trùng lặp với đề thi ở địa phương; Đề thi không khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Cụ thể, sau khi kết thúc môn Ngữ văn, dư luận xôn xao về nội dung đoạn ngữ liệu trong phần "Làm văn" trong đề thi thử tốt nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An gần giống với đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với cùng trích đoạn trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân và nội dung câu hỏi có phần tương đồng.
Cụ thể, đề môn Ngữ văn tại kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần thứ 2 năm 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An đặt câu hỏi: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám".
Còn đề Văn chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ GD&ĐT thì yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích".
Để giải đáp những thắc mắc này, GS. Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết: “Tinh thần chung của đề thi năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm 2022. Đề thi nằm trong chương trình và chủ yếu lớp 12 và không ra vào phần giảm tải. Đề thi cần có tính phân hoá tốt nhất trong nội dung thi của chương trình thi tốt nghiệp THPT”.
GS. Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, năm nay được sự chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo thi, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp những nội dung đã được công bố, bằng cách sử dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu. Việc sử dụng phần mềm có đối sánh cho cả 15 môn thi. Tuy nhiên, hiệu quả biện pháp này còn phụ thuộc dữ liệu mà chúng ta có.
Cụ thể, với trường hợp môn Ngữ văn ở Nghệ An có phần ngữ liệu trùng với đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Nhưng GS. Nguyễn Ngọc Hà khẳng định lệnh hỏi thì hoàn toàn khác nhau. Điều này là bình thường đối với phần làm văn. Chương trình học có 17 tác phẩm, trong khi ra đề sử dụng 15 tác phẩm. Nhiều tỉnh, thành cũng sử dụng nội dung này để thi thử 2, 3 lần, thì xác suất trùng lặp (về phần tác phẩm) là không tránh khỏi".
Còn ở đề thi của Hà Nội cho thấy, ngữ liệu và lệnh hỏi khác nhau. GS. Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh: “Phần thi Ngữ văn THCS Hà Nội là “làm chủ cảm xúc” còn ở đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT lệnh hỏi cao hơn là “cân bằng cảm xúc"”.
Mặt khác, GS. Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT có phần “Đọc hiểu” và phần “Làm văn". Với phần “Đọc hiểu" có thể sử dụng ngữ liệu không nằm trong chương trình. Như chúng ta thấy, trong các đề thi, với phần “Đọc hiểu", tổ ra đề luôn hướng vấn đề có nội dung liên quan tính thời sự, có tính giáo dục trong đó.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Hà, đề thi vẫn đang ra theo chương trình hiện hành (Chương trình 2006 - PV) nên vẫn cần áp dụng những tác phẩm cụ thể. Hai năm nữa, cùng với việc áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ có những nội dung mang tính sáng tạo nhiều hơn.
Khẳng định lại về đề thi môn Ngữ văn, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Hiện nay Bộ đã phân cấp như sau: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, đánh giá xét công nhận tốt nghệp. Vấn đề ra đề thi là khó nhất hiện nay. Đề thi phải đảm bảo tính công bằng vùng miền. Bên cạnh đó là khâu công bố kết quả. Chúng ta chỉ còn vài tháng nữa để phân tích dữ liệu từng tỉnh, từng trường phổ thông".
Sẽ lên tiếp phương án chống gian lận thi cử
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản. Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương khẳng định: “Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.
Trong đó, có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi.
Làm rõ thêm về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết, Bộ GĐ&DT đã có 16 đoàn kiểm tra đi đến các địa phương. Tuy nhiên, với quy mô lớn của kỳ thi quốc gia, vẫn có những trường hợp cá biệt. Bộ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, đồng thời phối hợp cùng Bộ Công an để có thêm những phương án phòng cống gian lận thi cử.
Thiếu trướng Trần Đình Trung, Phó Cục Trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an khẳng định, hiện hai trường hợp xảy ra ở Cao Bằng và Yên Bái không ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi. Thời gian tới, các bên liên quan sẽ nghiên cứu đề xuất thiết bị chống và phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao được giấu ở trong người. Đảm bảo tập huấn, tổ chức phát hiện việc vi phạm đối tượng sử dụng công nghệ cao.
Dưới đây là một số hình ảnh cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: