Đã có quy định nhưng vẫn viết sai
Từ đầu tuần này, học sinh lớp 8 học đến bài Ngữ văn có liên quan đến vị vua Lý Công Uẩn đều ngỡ ngàng khi tất cả các chữ “Lý” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành đều đã được chuyển sang chữ “Lí”.
Trong khi đó, quy định viết tên riêng của vị vua thời Lý này là “Lý Công Uẩn” hay “Lý Thái Tổ”.
Quy định viết chính tả, chữ hoa, tên riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 25/5/2018. Về cách viết với chữ "y" và "i", quy định nêu rất rõ tại khoản 2, Điều 9: Cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối.
1.Trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i, ví dụ: hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ…
2.Trường hợp âm tiết chứa âm I là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bảy Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc…
Như vậy, cách viết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do sự tuỳ tiện
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chu Văn An Hà Nội phân tích: Hai nguyên âm i-y có nhiều tình huống sử dụng theo hai mức độ: Sự phân biệt theo quy tắc chính tả bắt buộc và việc sử dụng theo quy ước, theo thói quen.
Trường hợp thứ nhất là trường hợp theo quy tắc chính tả bắt buộc: Khi bộ phận vần có từ hai âm trở lên trong đó nguyên âm i/y kết hợp với các âm khác để tạo vần, buộc phải theo qui định để đảm bảo đúng ngữ âm, chính xác về ngữ nghĩa. Ví dụ: Tai khác tay; Tiết khác tuyết; Tui khác tuy...
Trường hợp thứ 2 cũng là trường hợp gây tranh cãi như trên, khi i/y là âm chính trong một âm tiết mở; Khi vần chỉ có 1 nguyên âm i hoặc y. Việc lựa chọn i/y có mấy khả năng như sau:
"Khả năng thứ nhất là tuỳ ý người sử dụng, điều này gây sự tuỳ tiện và lộn xộn cho chính tả Tiếng Việt. Trường hợp tên riêng phải chấp nhận thực trạng này. Khả năng thứ 2 là lựa chọn theo thói quen, lâu ngày mặc định thành quy ước (khác với quy tắc). Dựa vào cảm quan thẩm mĩ, mặc định tâm lí người Việt. Đó là, dùng i với các từ thuần Việt, đặc biệt từ láy ( hi hi, ti hí, li ti, bi bô, xầm xì, sù sì); Các từ gợi nét nghĩa tầm thường, hèn hạ, ít ỏi, kém cỏi như: Ngu si, hi hữu, lí nhí... Các từ Hán Việt, các từ gợi nét nghĩa trang trọng, lớn lao, phần lớn dùng y: Công lý/công ty/ hy vọng, kỳ vọng, lý sự...", TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.
Từ thực tế này, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết: Quy định khó thắng được mỹ cảm và thói quen. Ví dụ, rất ít người muốn dùng "Công ti" thay cho "Công ty" vẫn thường dùng. Bởi đơn giản chữ là phương tiện ghi âm, là quy ước xã hội. Thói quen thành quy ước, quy ước lâu thành chuẩn, thành quy định.
Cho nên, trong cách viết ở sách giáo khoa thì sự tuỳ tiện ấy sẽ được áp vào quy định mà Bộ GD&ĐT ban hành. Cụ thể, ở đây là phải theo quy định của khoản 2, điều 9. "Quy định này giảm thiểu 1 trường hợp phức tạp, gây tranh cãi trong quy tắc chính tả của Tiếng Việt, nhưng xoá nhoà sắc thái phong phú, thẩm mĩ và cảm quan tâm lí của người Việt Nam khi dùng Tiếng Việt", TS Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Trong khi đó, một phụ huynh có con học lớp 8 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh, khi các con viết đúng tên "Lý Công Uẩn", cô giáo đã căn cứ vào sách giáo khoa cho rằng đó là viết sai và sửa lại thành "Lí Công Uẩn".
Dù đã liên hệ với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này nhưng phía Bộ vẫn chưa có câu trả lời với lý do chờ phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT bày tỏ sự ngạc nhiên trước vấn đề này: "Vì sao trong sách giáo khoa lại xảy ra điều đó? Năm 2018, Bộ đã ban hành quy định về chính tả trong chương trình sách giáo khoa phổ thông mới rồi".
Báo Tin tức sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.