80 - 90% các trường trung cấp khó tuyển
Theo quy chế tuyển sinh, Bộ GD - ĐT đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của trường CĐ là tốt nghiệp THPT thay vì quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo một mức điểm nhất định như những năm trước. Như vậy, sẽ khó có tình trạng “lọt sàng xuống nia” như thường thấy.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (Hà Nội) thì mùa tuyển sinh năm nay phải có đến 80 - 90% các trường trung cấp sẽ khó tuyển khi quy định đầu vào CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT được ban hành. Bởi tâm lý người học, gia đình vẫn muốn học đại học, cao đẳng. Ngay cả những sinh viên học trong trường vẫn có tâm lý muốn học lên cao đẳng, đại học. Nguyên nhân nữa khiến nhiều trường trung cấp khó tuyển bởi nhu cầu dự báo nhân lực của Nhà nước chưa tốt. Nhiều trường trung cấp chưa kết nối tốt với doanh nghiệp. Việc các trường lo lắng là phù hợp với thực tế.
Các trường trung cấp lo lắng về việc tuyển sinh. |
Tuy nhiên, nhìn nhận về định hướng phát triển thì ông Phạm Quang Vinh cho rằng, thực tế này cũng khiến các trường trung cấp nhìn nhận lại việc đào tạo. Nhiều trường cao đẳng vẫn không thể tuyển sinh bằng trường trung cấp do cam kết của các trường trung cấp về việc làm. Đây là cơ hội để các trường nhìn nhận lại việc nâng cao chất lượng của trường mình.
Theo ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh Sáng (TP Hồ Chí Minh) thì như mùa tuyển sinh năm 2015, trường tuyển sinh được 90 - 95% thí sinh tốt nghiệp THPT. Nhưng năm nay sẽ khó vì cơ hội học cao đẳng rộng mở thì không lý gì thí sinh lại học trung cấp. Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức của người học, xã hội.
Bên cạnh việc tuyển sinh thì mới đây, Bộ Y tế vừa cho biết sau 5 năm nữa (từ năm 2021), các bệnh viện, các cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp. Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ CĐ; Từ 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học… Hiện Việt Nam có 40 trường đại học, trường cao đẳng, 71 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế. So với các trường nghề khác thì trung cấp y, dược nhiều năm nay vẫn thu hút rất đông học sinh. Lý giải về quy định này, Bộ Y tế cho biết, ở các nước ASEAN, cán bộ y khoa thuộc các vị trí kể trên đã đạt trình độ học vấn từ hệ CĐ trở lên. Tại Thái Lan, hầu như các điều dưỡng đều đã đạt trình độ thấp nhất là ĐH. Vì vậy, quyết định này được coi là một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân sự y khoa, hội nhập và phát triển chất lượng nhân lực y tế của Việt Nam so với các nước khác.
Chia sẻ trước thông tin này, ông Vũ Đức Mối, Hiệu trưởng trường Trung cấp Y - Dược Hà Nội cho biết: “Thông tin các cơ sở Y tế không nhận cử nhân trung cấp trường mới được tiếp cận qua thông tin đại chúng. Nhưng tôi thấy nhiều điểm chưa rõ ràng và không rõ số phận của trường mình sẽ ra sao. Có thể năm học 2016 - 2017 việc tuyển sinh không quá khó khăn. Nhưng năm 2018 ngừng tuyển sinh thì sẽ ra sao. Năm 2020 thì không đào tạo nữa. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến cán bộ, giảng viên của trường nếu không có lộ trình. Hơn nữa, tâm lý người học cũng rất hoang mang khi biết về quy định này”.
Cần lộ trình
Về việc các trường trung cấp lo lắng trong việc tuyển sinh, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD - ĐT cho rằng, các trường nên nhìn nhận vào chất lượng của trường mình. Bởi có những trường cao đẳng nghề nhưng không thể tuyển sinh bằng trường trung cấp. Do đó các trường phải khẳng định chất lượng của mình bằng việc đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra.
Về việc nhân lực các trường trung cấp y dược không được nhận vào các cơ sở y tế trong thời gian tới, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết, việc ban hành thông tư về việc không tuyển sinh cử nhân trung cấp từ năm 2021 thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Nhưng nếu hai bộ cùng trao đổi với Bộ GD - ĐT thì văn bản sẽ tốt hơn. Một trong những quy định của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần nghiên cứu, đánh giá tác động của văn bản đến các đối tượng liên quan.
Thực tế ở nước ta, việc sử dụng nhân lực có trình độ trung cấp và cao đẳng không có sự phân biệt thật rõ ràng và dùng lẫn lộn hai trình độ này cho một vị trí việc làm. Hiện ở một số vị trí làm việc tại các cơ sở y tế - ví dụ như điều dưỡng viên hay trình dược viên - người được đào tạo ở trình độ trung cấp có ưu điểm là được đào tạo nghiệp vụ kỹ hơn (thực hành nhiều) đào tạo trình độ CĐ. Hơn nữa, nếu theo phân loại giáo dục quốc tế thì những người tốt nghiệp TCCN hiện nay có đầu vào là đã tốt nghiệp THPT, đều được phân loại ở trình độ giáo dục sau trung học (hay còn gọi là CĐ). Nhưng ở ta, hệ thống giáo dục có bất cập so với thế giới nên người học TCCN chịu thiệt thòi, đặc biệt nếu đi lao động ở ngoài nước.
“Các cơ sở giáo dục TCCN hiện nay tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THPT học hai năm lấy bằng trung cấp, có thể coi là một bất cập. Thực tế ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Malaysia... những người học như vậy sẽ được cấp bằng CĐ. Vì thế, điều cần thiết là khi yêu cầu trình độ CĐ, cần biết đó là CĐ gì, đâu là sự khác biệt về năng lực làm việc ở mỗi trình độ. Còn nếu chỉ nói trình độ CĐ chung chung thì e rằng lại bị mắc bệnh bằng cấp hình thức”, ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và sau đại học, Bộ GD - ĐT thì việc không tuyển sinh trung cấp hay không sử dụng lao động trình độ trung cấp phải có kế hoạch và lộ trình rất cụ thể. Cần được bàn bạc và thống nhất của nhiều bộ ngành. Hiện nay có khoảng 80 - 90 trường đào tạo hệ trung cấp y dược và rất nhiều lao động trình độ trung cấp đang làm việc. Các trường này cần thời gian và lộ trình để chuyển đổi và các lao động trung cấp đang làm việc cũng cần thời gian để nâng cao trình độ chuyên môn.