Hết thời lò luyện thi

Những đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá đã có tác động đến việc ôn tập của thí sinh. Mọi năm vào thời điểm này, các lò luyện thi đã tấp nập các thí sinh tự do từ các tỉnh đổ về. Nhưng năm nay tình trạng này không còn, thậm chí một số lò luyện phải đóng cửa. Bên cạnh đó, các cửa hàng photocopy cũng phải bán máy, đóng cửa.

Nhiều lò luyện thi “giải tán”

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2015 là các trung tâm, các lò luyện thi ở Hà Nội đã treo biển quảng cáo, phát tờ rơi thông tin về các lớp ôn thi ĐH, CĐ, nhưng hiện tại nhiều lò luyện thi phải đóng cửa vì không có thí sinh.

Trung tâm Đức Phú vẫn treo biển quảng cáo, lịch học nhưng vắng hoe khách.


Các trung tâm, lò luyện thi của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số trung tâm dọc đường Xuân Thủy, Trần Đại Nghĩa... xưa nay vẫn thu hút các sĩ tử từ các tỉnh “rồng rắn” tới ôn thi Đại học bởi chất lượng ôn luyện, thầy cô đứng lớp có uy tín, tỷ lệ các thí sinh đỗ đại học cao. Có mặt tại một số trung tâm trên đường Xuân Thủy, năm nay chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi cảnh cửa chốt then cài, không một bóng người ra vào.

Bà Lân, chủ trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Đức Phú ở ngõ 130 Xuân Thủy (Hà Nội) cho biết: “Trung tâm của tôi đã mở cửa từ sau Tết, thỉnh thoảng cũng có người đến đăng ký nhưng đến học thật thì rất ít. Học sinh ôn thi khối C gần như không có. Vừa rồi, lớp ôn thi Hóa có 6 bạn đến học, do số lượng ít quá nên tôi không mở lớp. Đến thời điểm này, trung tâm của tôi không có lớp ôn thi Đại học, chỉ có lớp dạy thêm cho học sinh cấp 2”.

Đó cũng là cảnh đìu hiu tại trung tâm luyện thi Đắc Duy ở trường Đại học Quốc gia. Trung tâm này cũng mở từ sau Tết nhưng phải “giải tán” vì số lượng sĩ tử đăng ký quá ít, không đến hai chục người, không đủ để mở lớp. “Năm ngoái ở đây có mấy trung tâm, lò luyện thi liền, học sinh đến đăng ký và học nhiều lắm, có tới 5 - 6 lớp, ngày chia làm hai ca. Năm nay chỉ có một lớp mở vào buổi tối. Trung tâm Đắc Duy thì đóng cửa rồi”, chị Nguyễn Thị Hiền nhân viên trông xe lâu năm tại trường cho biết.

Khu vực Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cũng không khá hơn. Ngõ 366 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân những năm trước tấp nập phụ huynh, học sinh đến đăng ký học. Năm nay con phố này chỉ còn “Nhà luyện thi số 01” mở cửa. Chủ lò luyện thi này cho biết, họ hy vọng trong thời gian tới sẽ nhiều người đến đăng ký hơn, nếu liên tục tình trạng này sẽ không trụ được.

Không chỉ lò luyện thi đóng cửa, các cửa hàng photocopy ngay cạnh lò luyện cũng trong tình cảnh vắng vẻ. Chủ cửa hàng pho to copy Hồng Minh ở giữa lòng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tại cửa hàng của tôi năm nay không có nhiều học sinh đến photocopy đề cương, câu hỏi ôn tập. Photocopy phao thi lại càng không có. Hiện tại lượng khách nhiều nhất là sinh viên, sinh viên in bài về khóa luận khá đông vì đây là thời điểm các trường đang chuẩn bị nộp khóa luận tốt nghiệp”.

Tại cửa hàng photocopy Sỹ Toàn tại tầng 1 thư viện trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hai người trực, không gian vắng lặng như tờ. Cả hai người đều rất rảnh rỗi, lướt web, nghe nhạc... vì không có khách. Anh Phạm Văn Ca, chủ cửa hàng cho biết: “Gần bước vào mùa thi rồi nhưng chưa thấy người đến photocopy tài liệu ôn tập, đề cương. Năm ngoái vào thời điểm này đông khách lắm”.

Đổi quy chế, đổi phương pháp ôn thi

Nhiều chủ trung tâm, lò luyện thi giải thích: Việc các lò luyện thi cấp tốc vắng người là do sự đổi mới trong thi cử. Bộ GD - ĐT gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT, CĐ - ĐH vào làm một. Học sinh lớp 12 chỉ cần tập trung cho một kỳ thi, bớt áp lực và có nhiều thời gian ôn thi hơn. Các lớp ôn thi cấp tốc không còn thu hút các em như những năm trước. Còn những thí sinh vẫn quyết định đến các lò luyện thi chủ yếu là vì muốn làm quen, tham khảo đề thi các giáo viên đưa ra.
Em Dương Thị Thu Trang, học sinh lớp 12A10 trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội, cho biết: “Em không đến trung tâm ôn thi vì em nghĩ là không cần thiết. Em thi khối C, chủ yếu là cần sự chăm chỉ. Chúng em hay tổ chức học nhóm vào những ngày cuối tuần tại nhà của một bạn nào đó để kiểm tra kiến thức của nhau, những bạn học tốt sẽ kèm những bạn học kém hơn”.

Đỗ Thị Diễm Uyên (học sinh lớp 12 sinh, trường Phổ thông chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội), năm nay dự thi vào Đại học Y Hà Nội, cho biết: “Em tự học và lập kế hoạch cụ thể cho từng môn thi, chỉ tiêu cụ thể để ép bản thân mình phải hoàn thành. Những môn kém thì dành nhiều thời gian hơn, tranh thủ hỏi han các bạn học khá môn đó trong lớp. Hơn nữa, Bộ GD - ĐT đã có đề thi minh họa, nên việc ôn tập của chúng em trở nên dễ dàng hơn”.

Nhiều phụ huynh học sinh cũng nắm bắt được quy chế thi thay đổi, sớm đưa ra các định hướng phương pháp ôn thi cho con em của mình. Chị Đỗ Thị Liên, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, năm nay có con gái dự thi trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Con tôi ôn thi qua mạng, tải các bài tập trên mạng về để làm. Các trang hay truy cập là: dethi.vn, hocmai.vn, onthi.com... Các đề tiếng Anh trên đây khá đa dạng, có thể lựa chọn mức độ khó, dễ để làm, so đáp án ngay sau khi làm xong. Đây là phương pháp ôn thi chính, một ngày dành khoảng 90 phút, vừa tiết kiệm vừa tiện lợi, cháu nhà tôi rất hứng thú với phương pháp học này”.

Bài và ảnh: Ngọc Thi

Lò luyện thi ĐH trước giờ G - Bài cuối: Sĩ tử thờ ơ với lò luyện
Lò luyện thi ĐH trước giờ G - Bài cuối: Sĩ tử thờ ơ với lò luyện

Mặc những chiêu quảng cáo vô cùng hấp dẫn của các lò luyện, lượng sĩ tử tại các lò luyện năm nay giảm hẳn so với trước. Điều đó cho thấy, cách tổ chức thi và ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm thay đổi cả cách ôn thi của thí sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN