Đi chỉ để ngắm di tích
Chị Nguyễn Thị Thanh, có con gái đang theo học lớp 3 tại Trường Tiểu học Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) kể, năm học vừa qua, con chị được nhà trường tổ chức cho đi tham quan 2 lần. Lần thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, lần thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau chuyến tham quan, về chị hỏi cháu có biết nhiều về di tích không, cháu chỉ nhớ là đã được đến nơi, được đi chơi với bạn rất vui, còn lại không nhớ được gì, dù có được nghe các cô hướng dẫn viên nói chuyện.
Học sinh Trường tiểu học Nghĩa Tân tìm hiểu về con hổ qua bức tranh "Mãnh hổ hạ sơn" tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Không riêng học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn, nhiều trường học khác cũng tổ chức chương trình cho học sinh đi tham quan, vừa là hoạt động ngoại khóa giúp các học sinh có thêm những hiểu biết về di tích, di sản. Tuy nhiên, hầu hết những chuyến thăm bảo tàng, di tích của học sinh gần với ý nghĩa vui chơi hơn là học. Các học sinh đến tham quan bảo tàng, di tích, mới chỉ được xem, nghe, nhìn một cách đơn thuần, và thụ động nghe hướng dẫn viên giới thiệu về di tích, di sản một cách nhanh chóng, các em khó có thể tiếp thu kiến thức cũng như có thêm những hiểu biết về văn hóa, lịch sử... nên hiệu quả giáo dục di sản không cao.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm “Cánh buồm”, người có kinh nghiệm về tính tương tác trong giáo dục di sản, có nhiều nguyên nhân khiến công tác giáo dục di sản chưa thực sự hiệu quả. Trước hết, là phía di tích, bảo tàng chưa có những nội dung dành riêng cho đối tượng tham quan là học sinh nói riêng cũng như giới trẻ nói chung. Hàng trăm học sinh đến một di tích và được nghe một bản thuyết minh chung dành cho khách tham quan, như vậy tính tương tác hạn chế, vì thế các em, đặc biệt là học sinh tiểu học sẽ chán, không còn tha thiết quay trở lại.
Bên cạnh đó, các hoạt động này còn thiếu sự kết hợp giữa chuyên gia giáo dục và chuyên gia văn hóa nên không tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với học sinh. Bởi lẽ, trước khi đi tham quan, nhà trường chưa giúp các học sinh tìm hiểu trước về di tích, bản thân các em cũng chưa ý thức rõ về bài học ngoại khóa có từ những chuyến tham quan di tích, bảo tàng... Chưa kể, hầu hết các chuyến tham quan đều vội vàng, các em mới chỉ kịp ngắm, chưa kịp tìm hiểu đã phải chuyển sang điểm mới.
Giáo dục di sản “kiểu mới”
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Văn hóa giáo dục khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động như dâng hương, khuyến học... Đây cũng là địa chỉ được nhiều trường học ở Hà Nội và cả các tỉnh lân cận lựa chọn làm điểm tham quan cho các học sinh. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa giáo dục khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thừa nhận, do số lượng đông, nên học sinh nghe thuyết minh rất thụ động, hiệu quả giáo dục không cao.
Với mong muốn hoạt động giáo dục di sản có hiệu quả tốt hơn, các cán bộ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia để xây dựng nên một phương pháp tiếp cận di sản mới, giúp học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di tích.
Theo đó, trung tâm đưa ra một số chủ đề cụ thể cho từng khối lớp khác nhau: Ví dụ, dành cho khối lớp 1 là chủ đề: Khám phá các con vật tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; kể chuyện các danh nhân tại khu vườn bia tiến sỹ ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khám phá bức phù điêu Mãnh hổ hạ sơn... cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm vẽ, tô màu, xé dán liên quan đến các chủ đề trên.
Hoặc chủ đề dành cho lớp 4 là khám phá, vẽ quang cảnh Khuê Văn Các, sử dụng những hoa văn trang trí trên Khuê Văn Các để trang trí lên cốc giấy. Khám phá điện Đại Thành, vẽ, tô màu, xé dán theo chủ đề. Tổ chức mô hình lớp học xưa, cho học sinh trải nghiệm cầm bút, mài mực viết chữ...
Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, quy trình tham quan “kiểu mới” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng theo 3 bước: Trước, trong và sau tham quan. Cụ thể, trước chuyến tham quan, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị tài liệu về di sản, di tích như tìm hình ảnh, các mẩu chuyện xung quanh lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong tham quan là các hoạt động diễn ra tại di tích, cán bộ giáo dục hướng học sinh tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm, sáng tạo... Sau tham quan là hoạt động thảo luận, chia sẻ những hiểu biết của mình về di tích. Đặc biệt, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt còn tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo sau tham quan như giới thiệu những sản phẩm các em đã tự tạo như tranh vẽ, bút tre, ống quyển... sau khi tìm hiểu về “lớp học xưa” tại Văn Miếu; diễn kịch về lớp học của thầy đồ Chu Văn An...
Được biết, mô hình tham quan giáo dục di sản kiểu mới này đã được giáo viên và học sinh một số trường tiểu học ở Hà Nội đánh giá cao. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục cũng đánh giá, đây là mô hình mới mẻ, hấp dẫn, cần được áp dụng trong nhà trường và mở rộng ở nhiều di tích.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, để mô hình được áp dụng, rất cần sự chung tay, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và cơ quan quản lý di tích, cần sự vào cuộc của ngành văn hóa và ngành giáo dục. “Các em học sinh cần được tạo điều kiện và bố trí thời gian để tham gia các hoạt động này, nhưng thực tế hiện nay, chương trình học của học sinh khá nặng, khó sắp xếp thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, nên mô hình chưa được mở rộng” ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.