Tại hội thảo, chuyên gia cùng đại diện lãnh đạo nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến nội dung và thời lượng dạy học, kế hoạch giáo dục, tổ chức bán trú, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hướng dẫn thực hiện dạy học đối với những nơi chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: So với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó, số tiết học trong một năm học đều tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; đồng thời hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập, góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình, đáp ứng yêu cầu quản lí, giáo dục học sinh của gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Nhưng ông Thái Văn Tài cũng chia sẻ: Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tạo ra thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê, toàn quốc hiện có trên 80% học sinh tiểu học đang học 2 buổi/ngày theo chương trình hiện hành. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó, trong chương trình mới có thêm 2 môn học là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ. Đối với một số địa phương, việc bổ sung giáo viên Tin học và Tiếng Anh là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Năm 2019 là năm chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học hai buổi/ngày; chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Trong đó, các địa phương cần đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, có đủ phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh sạch sẽ; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1. Về giáo viên, đảm bảo đủ tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp, trong đó có giáo viên dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Về học sinh, đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định tại Điều lệ trường Tiểu học.
Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra những thuận lợi, những thách thức đang đặt ra tại địa phương trong quá trình chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy học lớp 1 từ năm học 2020-2021. Theo đó, nhiều địa phương trên cả nước hiện đã áp dụng học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần). Tuy nhiên, khó khăn mà nhiều trường đang gặp phải hiện nay là định mức giáo viên chưa đủ 1,5 giáo viên/lớp. Bên cạnh đó, cơ cấu giáo viên không đồng đều, thiếu giáo viên Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật song nhiều tỉnh chưa được bổ sung biên chế. Do vậy, theo đề xuất của một số địa phương, trong văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, cần có quy định về việc tính chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn xã hội hóa giáo dục.
Đối với việc tổ chức bán trú và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cần được xây dựng kế hoạch cụ thể, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học chưa có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo thực hiện dạy đúng, đủ nội dung, cũng như thời lượng dành cho các môn học bắt buộc.