Em Lê Thanh Hà, học sinh lớp 12 chuyên Lý 2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phấn khởi cho biết: "Em rất vui vì lâu rồi em đã không được đến trường. Trong lớp, mỗi bạn ngồi một bàn, đây là cách này là để đảm bảo an toàn cho chúng em khi đến trường trong tình hình dịch bệnh”.
Em Lê Thanh Hà cho biết, bố mẹ cũng rất thoải mái khi em được đến trường học, vì đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, trước khi đến trường, bố mẹ cũng dặn dò phải thực hiện tốt 5K để đảm bảo an toàn và tránh lây lan dịch bệnh.
Tương tự, học sinh Lê Đỗ Minh Anh chia sẻ: “Em cảm thấy hơi "lạ" vì lâu rồi chưa được đi học, nhưng được đến trường em vui lắm. Mới đầu bố mẹ em cũng hơi lo lắng, nhưng bố mẹ cũng muốn em được đến trường nên cũng dặn em phải luôn đảm bảo 5K”.
Để đón học sinh đến trường, trước đó, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) đã vệ sinh khử khuẩn, lên sơ đồ di chuyển cho học sinh; bố trí khu cách ly và phòng cách ly tạm thời theo hướng dẫn của ngành y tế; khi học sinh đến trường phải thực hiện khai báo y tế và phải đảm bảo 5K.
Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, trường có trên 600 học sinh lớp 12, trong đó có 20 học sinh đang thuộc diện F1, F0 và học sinh ở tỉnh chưa lên. Qua lấy ý kiến, đa số phụ huynh đều rất đồng tình cho học sinh đến trường, chỉ có một số ít phụ huynh lo lắng cho con ở nhà học có sự hỗ trợ của giáo viên.
“Cũng giống như tâm trạng của học sinh, tôi cũng rất vui mừng trong ngày đầu tiên chào đón học sinh đến trường, cũng lâu rồi cô trò mới gặp nhau. Dù đã chuẩn bị rất chu đáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế, tuy nhiên tôi cũng có phần lo lắng vì dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Tôi cũng tự tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì các em sẽ được an toàn nhất khi đến trường”, cô Phạm Thị Bé Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, với hơn 91% học sinh trở lại trường, tương đương hơn 500 em ở 14 lớp, trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) chia 4 khung giờ vào lớp, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 20 phút. Trường chọn phương án chia đôi lớp học với hai phòng. Giáo viên dạy một bên và hệ thống âm thanh được đặt ở phòng còn lại để cả lớp đều được nghe giảng.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập cho biết, để hình thành thói quen và nắm được sơ đồ di chuyển trong trường, toàn bộ học sinh khối 9 đã tập trung từ ngày 10/12. Các em được hướng dẫn phòng cách ly ở đâu, lớp mình dùng cầu thang, nhà vệ sinh phía nào... Vì số lượng học sinh đông, trường phân chia 3 - 4 lớp dùng một cầu thang và nhà vệ sinh riêng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong sáng nay, có 5 đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và hơn 10 đoàn riêng của các phòng chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo đã đến các trường để nắm tình hình triển khai thực hiện cho học sinh đi học trong ngày đầu tiên. Qua kiểm tra, các trường đều chấp hành theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục rất tốt.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đánh giá, các trường đều có sự chuẩn bị khá tốt phương án đón học sinh, nhất là bước kiểm tra học sinh trước khi vào trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số trường bố trí khoảng cách ngồi giữa các học sinh trong lớp khá gần nhau nên đoàn kiểm tra yêu cầu trường bố trí chia lớp lại để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các trường cần chủ động tổ chức diễn tập các phương án, tình huống để cán bộ, giáo viên, học sinh nhuần nhuyễn các bước thực hiện khi có tình huống phát sinh.
"Các trường cũng không nên quá lo lắng, ngành đã có hướng dẫn quy trình xử lý đầy đủ; hơn nữa học sinh lớp 9 và 12 đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, các trường cần theo dõi sức khỏe học sinh, nhất là các em có bệnh nền như béo phì, tiểu đường...", ông Tăng Chí Thượng nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, việc tổ chức thí điểm học trực tiếp này tập trung vào việc diễn tập xử lý linh hoạt các tình huống để giáo viên, học sinh thích ứng an toàn, không hoang mang, căng thẳng khi có ca nghi nhiễm hay ca nhiễm phát sinh. Do đó, việc tổ chức dạy học trực tiếp trong 2 tuần thí điểm này không đặt nặng vấn đề truyền tải kiến thức cho học sinh mà chú trọng việc vận hành hệ thống an toàn để phụ huynh an tâm và tạo cho học sinh nề nếp đến trường trong bối cảnh có dịch.