Học online cật lực để kiểm tra nhưng…
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội cho học sinh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên nghỉ hè sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch, bắt đầu từ ngày 15/5/2021.
Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại trong thời gian nghỉ hè sớm sẽ thực hiện vào thời gian nghỉ hè khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường học tập.
Để bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực từng học sinh, đối với cơ sở giáo dục có các khối lớp chưa hoàn thành kiểm tra định kỳ (bài kiểm tra học kì II năm học 2020-2021) sẽ tiến hành trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, học sinh được đến trường trở lại.
Nhiều phụ huynh ủng hộ quyết định nghỉ hè sớm này của Hà Nội, nhưng cũng không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi nghỉ hè xong mới kiểm tra đánh giá.
Hai tuần qua, gia đình anh Mạnh Xuân (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) trở thành “lớp ôn tập online cùng con”. Anh có hai con: một học lớp 3, một học lớp 7, đang trong giai đoạn ôn thi cuối kỳ II. Anh Mạnh Xuân cho biết: “Lần học online này rất cần sự sát sao của bố mẹ hơn khi con chuẩn bị bước vào thi học kỳ. Hai chiếc máy tính của vợ chồng tôi phải để cho hai con học. Bên cạnh đó, bố mẹ chia ca để học cùng con. Ngoài những bài tập được cô giáo cho làm online, còn có những phiếu bài tập in riêng để các con ôn luyện. Cả nhà như trở thành lớp ôn tập cùng con”.
Anh Mạnh Xuân cho rằng, chương trình của các con đã kết thúc, chỉ cần tập trung ôn luyện để kiểm tra trực tuyến, các con được “thả phanh” nghỉ hè. “Nhưng thông báo của Hà Nội khiến tôi vô cùng hụt hẫng. Học sinh đang trong mạch ôn tập, tại sao không cho các con được kiểm tra trực tuyến hoặc linh hoạt các hình thức đánh giá để học sinh được lên lớp”.
Chị Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) cũng băn khoăn: “Nếu để các con nghỉ hè xong mới kiểm tra thì kiến thức liệu có bị rơi rụng không”.
Còn chị Đinh Thu Vân (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: “Hai tuần qua là lịch học và ôn tập online dày đặc của học sinh lớp 2 con tôi. Sáng 2 tiếng Tiếng Anh, chiều 2 tiếng Toán, tiếng Việt, chưa kể những phiếu ôn tập cuối kỳ II cô giáo gửi qua zalo và bài tập trên Microsoft Team được cô giao. Cha mẹ nào cũng nghĩ học online cật lực để mau kết thúc năm học đặc biệt này”.
Việc thi không còn cần thiết nữa?
Một chuyên gia giáo dục khoa Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến: "Biết tin Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh nghỉ hè sớm, việc thi học kỳ II sẽ được tổ chức vào thời gian nghỉ hè, khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường, tôi thấy rằng, việc thi này không cần thiết, nên bỏ".
Lý giải về việc này, vị chuyên gia cho biết: Trong dạy học, việc đánh giá thường xuyên (được thực hiện trong suốt quá trình học tập, qua từng tiết học, hằng ngày...) quan trọng hơn đánh giá định kỳ (cuối học kỳ, năm học...); đánh giá quá trình (việc học sinh tư duy, vận dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề) quan trọng hơn kết quả (kiến thức, kỹ năng...). Đánh giá cuối năm chưa phản ánh được học sinh học như thế nào, mức độ phát triển tư duy, các biểu hiện phẩm chất, năng lực mà chỉ xác định và xác nhận mức độ hiểu biết và kỹ năng. Như vậy, mục đích đánh giá này nặng về xếp loại mà không phải giúp các em tiến bộ, phát triển (mục đích này mới là nhân văn).
Cũng theo vị chuyên gia này, nội dung đánh giá định kỳ hiện nay ở nhiều nơi mới dừng lại ở kiến thức (chủ yếu học thuộc lòng theo "đề cương") và kỹ năng (hầu hết theo các dạng bài mẫu đã được luyện). Trong lúc đó, nội dung đánh giá, đúng ra, phải là những biểu hiện của các phẩm chất và năng lực được phát triển ở học sinh. Vậy thì để hè học sinh thi có kết quả "tốt", nhiều giáo viên phải cho các em học theo "đề cương", luyện tập các dạng bài mẫu. Thi xong, hầu hết học sinh sẽ trả lại những gì giáo viên đã dạy. Vị chuyên gia đặt câu hỏi “Vậy thi để làm gì nếu đã không phải vì học sinh?”.
“Trong bối cảnh dịch, tôi nghĩ, nhà trường hãy căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên mà xét cho học sinh. Đó là chưa kể, không biết khi nào thì dịch bệnh sẽ ổn định. Hãy cho học sinh những ngày hè đúng nghĩa. Đồng thời, Bộ cũng nên có chỉ đạo về việc bỏ thi cuối năm đối với những tỉnh học sinh nghỉ học tránh COVID-19”, vị chuyên gia đề xuất.
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Hồng Chung, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: “Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, đến ngày 16/5 sẽ có hiệu lực. Sau khoảng thời gian này, nếu trường nào có phương án tổ chức kiểm tra đánh giá thì cần báo cáo. Đây là căn cứ để Sở GD&ĐT Hà Nội xem xét”.
Trước lo ngại của phụ huynh về việc học sinh nghỉ hè mà chưa kiểm tra đánh giá cuối năm học, khi trở lại trường kiểm tra định kỳ trực tiếp, kiến thức có thể sẽ "rơi rụng", ông Lê Hồng Chung cho rằng: Học sinh Hà Nội được nghỉ hè sớm hơn 2 tuần so với khung thời gian năm học 2020-2021. Nếu học sinh đi học trở lại thì vẫn có 2 tuần để thực hiện các hoạt động giáo dục chứ không chỉ thực hiện việc kiểm tra đánh giá. Văn bản cũng nêu rõ, học sinh quay trở lại trường học sẽ thực hiện các hoạt động giáo dục còn thiếu, các trường tổ chức thực hiện bù các hoạt động giáo dục chứ không chỉ kiểm tra định kỳ.
Trong cương vị người đứng đầu một cơ sở giáo dục, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm như hiện nay. Theo bà Đinh Thị Thu Hà, quyết định này trước nhất là đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, giáo viên trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Về cơ bản, học sinh các cấp trường THCS Dịch Vọng đã hoàn tất chương trình. Học sinh lớp 9 đã hoàn thành bài kiểm tra đánh giá. Chỉ còn các khối lớp 6, 7, 8 đang bước vào đợt kiểm tra cuối kỳ II.
"Trường THCS Dịch Vọng đã chuẩn bị sẵn các phương án kiểm tra online để thực hiện trong tuần tới. Tuy nhiên, văn bản của Hà Nội về việc nghỉ hè sớm khiến nhà trường tiếp tục chờ chỉ đạo tiếp theo"- bà Đinh Thị Thu Hà cho biết.