Đây là hoạt động nằm trong Chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo năm 2018 được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM13) và Hội nghị Hội đồng thống đốc Quỹ Á - Âu (ASEF) lần thứ 37 được tổ chức vào năm 2017 tại Việt Nam, thống nhất sẽ tổ chức 4 hội nghị về "Học tập suốt đời và phát triển bền vững" tại 4 quốc gia với các chủ đề khác nhau. Trong đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đăng cai tổ chức.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu đại diện cho Hiệp hội các Tổ chức Giáo dục Đại học châu Âu (EURASHE); Hiệp hội Các trường đại học Mở châu Á (AAOU); Mạng lưới Giáo dục liên tục bậc đại học châu Âu (EUCEN)… đại diện một số trường đại học khu vực Á- Âu, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010” và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”.
Bộ trưởng mong muốn, Hội nghị này là dịp để Việt Nam học hỏi, chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược học tập suốt đời giữa các quốc gia của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), cũng như được tiếp cận với kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục người lớn, về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng nhận được những ý kiến tham vấn của các chuyên gia quốc tế về việc tổ chức hoạt động học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau, được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông cũng như tài nguyên giáo dục mở; công nhận giáo dục, học tập không chính quy, học tập trước như là các tín chỉ trong các chương trình cấp bằng, cho phép người học tích lũy học tập, kinh nghiệm và trình độ qua việc tham gia linh hoạt ở các giai đoạn khác nhau.
Những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để hoàn thiện hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông; thúc đẩy các trường đại học cung cấp các chương trình học tập linh hoạt cho tất cả mọi người; thúc đẩy sự hợp tác trong ASEM để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục (Sustainable Development Goal 4 – SDG4).
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Tiến sĩ Phil Hanil Ulf-Daniel Ehlers, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học châu Âu chia sẻ: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã chỉ rõ sự thịnh vượng trong cả hai khía cạnh kinh tế và xã hội trên toàn cầu phụ thuộc vào các cơ hội mà cá nhân được học hỏi và phát triển trong cuộc đời của họ. Các cá nhân, tổ chức, quốc gia phải đặt câu hỏi về việc xây dựng “hệ sinh thái” học tập phù hợp thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân. Đây không phải việc đơn giản vì học tập suốt đời không phải là một khái niệm rõ ràng mà đi kèm với nhiều hình thức, hình dạng và thực thể. Đối với các trường đại học, các trường phải thúc đẩy hơn nữa việc thay đổi các giá trị, thói quen, niềm tin của các cấp quản lý và giảng viên; nỗ lực xây dựng các trường thành các trung tâm sôi động để học tập suốt đời.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; các biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ,.…); hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục đại học cho mọi người.