"Giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực - Kinh nghiệm của Pháp" là chủ đề của một hội thảo bàn tròn do Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) tổ chức mới đây tại Paris.
Sự kiện này tiếp nối hội thảo lần thứ nhất có chủ đề "Những nguyên tắc cơ bản của giáo dục Việt Nam" được tổ chức vào tháng 5 vừa qua và nằm trong chuỗi hội thảo giáo dục được AVSE lên kế hoạch tổ chức trong các năm 2014 và 2015. Hội thảo đã thu hút khoảng 100 người tham dự, chủ yếu là giới khoa học, chuyên gia, các giảng viên và sinh viên Việt Nam đang giảng dạy và theo học tại các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học của Pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ ngành giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, điều phối viên của Ban tổ chức, đã giới thiệu mục đích của hội thảo là giới thiệu Luật tự chủ đại học của Pháp và những kinh nghiệm có thể nghiên cứu áp dụng cho các trường đại học Việt Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo bàn tròn về tự chủ đại học tại Pháp. |
Trên thực tế, sau một thời gian chuẩn bị, Luật tự chủ đại học của Pháp đã được ban hành năm 2007 nhằm chuyển giao cho các trường đại học công tác quản lý ngân sách và tài chính vốn trước đó được Nhà nước đảm bảo. Luật tự chủ cũng yêu cầu cải cách phương thức quản lý và điều hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2009, những trường đại học đầu tiên đã áp dụng luật này. Đến năm 2013, tất cả các trường đại học ở Pháp gồm 83 trường và 126 phân hiệu đều đã thực hiện tự chủ ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, các kết quả đạt được rất khác nhau giữa các trường đại học. Nhiều trường đã sáng tạo, xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp, ngày càng trở nên cạnh tranh và thu hút số lượng sinh viên lớn, nhưng cũng có nhiều trường gặp khó khăn về tài chính, không đảm bảo cân đối thu chi buộc phải đề nghị Nhà nước hỗ trợ.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Stefano Bosi, giảng viên tại trường đại học Evry, Phó Giám đốc khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng tự chủ là hướng đi đúng, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để thu hút tài năng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo ông, tự chủ bao gồm các khái niệm "tự chủ pháp lý", "tự chủ khoa học" và "tự chủ tài chính". Các nội dung này cho các trường quyền tự chủ về chuyên môn như mở ngành, tự quyết định mức học phí, mở rộng các nguồn thu, tự chủ về bộ máy nhân sự, chế độ lương cho cán bộ giáo viên…
Giáo sư Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu tại CNRS, giảng viên trường đại học kinh tế Paris (Paris School of Economics) nêu rõ tự chủ đòi hỏi sự can đảm và sáng tạo của ban lãnh đạo các trường trong việc xây dựng các kế hoạch triển khai phù hợp, có tầm nhìn, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Quan điểm của ông được giáo sư Diệp Thế Hùng, Phó Chủ tịch trường đại học Cergy-Pontoise chia sẻ. Theo giáo sư Diệp Thế Hùng, cái quan trọng nhất trong tự chủ là phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo nhằm xây dựng các chương trình mới thích hợp với nhu cầu của xã hội.
Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại Viện Toán thành phố Toulouse nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành tự chủ. Ông nói : "Ngày nay, sự cạnh tranh giữa các trường đại học là rất lớn. Sự cạnh tranh này là lành mạnh và cần thiết cho sự phát triển. Muốn cạnh tranh tốt thì cần phải có sự tự chủ". Ông cũng cho rằng những trường đại học tốt nhất thế giới là những trường có tự chủ tài chính rất cao, họ đủ khả năng trả lương cao cho những người giỏi nhất.
Trong phần thảo luận tiếp theo về quá trình tự chủ trong các trường đại học ở Việt Nam, các diễn giả cũng như đại biểu tham dự đã khuyến khích các trường đại học ở Việt Nam đẩy mạnh và mở rộng quá trình này trên cơ sở nghiên cứu thành công và cả thất bại của các nước. Theo các đại biểu, việc triển khai mạnh mẽ và giao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn tạo động lực và là khâu đột phá nâng cao chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tin, ảnh: Bích Hà (P/v TTXVN tại Paris)