Cả nước có khoảng 250.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức thi ở các vùng miền khác nhau.
Trước khi thí sinh làm thủ tục dự thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, hiện 63 tỉnh, thành đều đã xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý khi có tình huống phát sinh.
Trong buổi làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi cho thí sinh kiểm tra thông tin trên danh sách thí sinh dự thi. Nếu có sai sót về họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, cán bộ coi thi sẽ xác nhận những sai sót này và chuyển các thông tin cho trưởng điểm thi.
Ngoài ra, cán bộ coi thi phổ biến đến thí sinh nội dung quan trọng trong Quy chế thi như: Lịch thi và thời gian có mặt tại điểm thi của thí sinh trong mỗi buổi thi; trách nhiệm của thí sinh, đặc biệt lưu ý những vật dụng không được phép mang vào phòng thi; phổ biến quy định về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi…
Việc đến làm thủ tục dự thi không chỉ giúp thí sinh đính chính (nếu có sai sót), nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi, mà còn là dịp để biết điểm thi, phòng thi; tránh nhầm lẫn điểm thi hoặc khó khăn trong tìm kiếm phòng thi trong ngày thi chính thức. Điều này đã từng xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hà Nội có hơn 102.000 thí sinh tham dự kỳ thi với gần 4.500 phòng thi tại 189 điểm thi. Để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Hà Nội đã điều động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi.
Từ 13 giờ ngày 27/6, nhiều thí sinh đã được phụ huynh đưa đến điểm thi để nhận phòng và làm thủ tục dự thi. Lực lượng công an và tình nguyện viên đã có mặt để phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và hỗ trợ thí sinh. Công tác phân luồng giao thông được làm bài bản và không có tình trạng ùn tắc trước các điểm thi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại điểm Trường THPT Hoài Đức B (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có một số phòng thi thi tiếp giáp nhà dân. Theo bà Trần Thị Thuỷ, điểm trưởng điểm thi Trường THPT Hoài Đức B cho biết: “Những phòng thi này đều được chúng tôi dán giấy để phòng tránh lọt, lộ đề”.
Thời tiết tại TP Hồ Chí Minh cũng khá mát mẻ. Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) có 743 thí sinh dự thi ở các trường trong khu vực, không có thí sinh tự do. Trong đó, các môn Toán, Văn, Anh tổ chức 31 phòng thi; 32 phòng thi các môn Tổ hợp.
Cơ sở cật chất và nhân lực ở điểm thi này được bố trí theo đúng quy định, với 124 người tham gia công tác thi; điểm thi có 3 phòng thi dự phòng; 1 phòng giữ đồ có khoảng cách với phòng thi 25m theo đúng quy định.
Dưới đây là chùm ảnh do phóng viên báo Tin tức ghi nhận tại các điểm thi: Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), Trường THPT Hoài Đức B (huyện Hoài Đức), Trường THPT Thủ Đức (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh):
Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức), mặc dù 14 giờ thí sinh mới vào phòng thi để nghe phổ biến quy chế thi, nhưng ngay từ 13 giờ đã rất đông thí sinh có mặt tại điểm thi.
Ngồi chờ trước phòng thi, thí sinh Duy Khang hồi hộp cho biết, em không dùng phương thức xét tuyển sớm vào đại học mà dùng điểm thi THPT để xét tuyển, nên em cũng hơi lo lắng. “Nguyện vọng của em là vào ngành Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ngành học này có điểm chuẩn hàng năm rất cao. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngoài học trong trường em còn đi học thêm, có những ngày tập trung cao độ ôn đến 2 giờ sáng. Trong các môn thi em lo lắng nhất là môn Địa lý”, Duy Khang nói.
Còn thí sinh Minh Anh thì lại đến điểm thi với tâm trạng thoải mái hơn vì Minh Anh đã trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển sớm vào trường Đại học Văn Lang. Thí sinh Minh Anh chia sẻ: “Vì em đã trúng tuyển vào đại học với ngành học em yêu thích rồi nên kỳ thi thi này em thi để tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, em vẫn mong muốn mình làm bài thi tốt và điểm thi tốt nghiệp THPT đạt điểm số cao”.
Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức có 743 thí sinh dự thi ở các trường trong khu vực, không có thí sinh tự do. Trong đó, các môn Toán, Văn, Anh tổ chức 31 phòng thi; 32 phòng thi các môn Tổ hợp. Cơ sở cật chất và nhân lực được bố trí theo đúng quy định, với 124 người tham gia công tác thi; điểm thi có 3 phòng thi dự phòng; 1 phòng giữ đồ có khoảng cách với phòng thi 25 m theo đúng quy định. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm nay TP Hồ Chí Minh có hơn 85.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Công tác chuẩn bị kỳ thi đã hoàn tất, toàn bộ 156 điểm thi đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi. Trong 3 ngày thi, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ coi thi và thí sinh đến điểm thi đúng thời gian quy định.
TP Hồ Chí Minh cũng đã lên phương án phòng chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, Tổng Công ty Điện lực đảm bảo cung cấp điện ổn định, có phương án dự phòng khi xảy ra tình huống đột xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ thực hiện giao đề thi vào mỗi buổi sáng và nhận bài thi vào chiều cùng ngày, không để đề thi, bài thi qua đêm tại các điểm thi. Toàn bộ khâu vận chuyển đề thi, bài thi đều có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Hồ Chí Minh để đảm bảo tính bảo mật và an toàn tuyệt đối.