Theo đó, học sinh lớp 1, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 sẽ đến trường học trực tiếp theo qui mô như sau: các khối lớp 9, lớp 12 học trực tiếp đủ 6 buổi các ngày trong tuần; các khối lớp còn lại học trực tiếp thời gian 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến. Học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đi học trực tiếp.
Từ ngày 21/2, trẻ em mầm non 5 tuổi đến trường, tổ chức cho trẻ bán trú. Học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 đến trường học trực tiếp, thời gian 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến. Thời gian tiếp theo các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình dịch trên địa bàn, điều chỉnh số buổi học trực tiếp/tuần; tiếp tục tổ chức cho trẻ mầm non các độ tuổi còn lại đến trường phù hợp với điều kiện thực tế. Không tổ chức ăn bán trú và căng tin ăn uống trong trường phổ thông; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Các trường mầm non tổ chức cho trẻ em bán trú đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh Hưng Yên yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ tổ chức dạy học trực tiếp khi đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, đảm bảo quy định về hoạt động giáo dục trực tiếp theo các cấp độ dịch. Thực hiện nghiêm qui định, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch và “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung)” theo Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT ngày 27/1/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ban hành phương án, kịch bản xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình dạy học trực tiếp; ban hành phương án tổ chức dạy học đảm bảo giãn cách tối đa, số lượng học sinh tới trường trong cùng một thời điểm thấp nhất có thể.
Tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế ban hành kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; chỉ đạo các cơ sở giáo dục vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường; có phương án, kịch bản xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình dạy học trực tiếp và tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh; phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương có phương án hỗ trợ học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ tham gia học tập thuận lợi nhất.
Đối với cấp huyện, thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức dạy học trực tiếp đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Khi tình hình dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp, UBND cấp huyện thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội để quyết định việc dừng học tập trực tiếp hoặc cho phép đi học trực tiếp trở lại đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.