Thực tế, học hết lớp 9, học sinh có rất nhiều lựa chọn khác nhau như có thể vào học tiếp ở trường THPT công lập hoặc dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hay đi học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng…
Đây cũng chính là chủ trương phân luồng, hướng học sinh vào các luồng giáo dục phù hợp năng lực, điều kiện của bản thân học sinh và gia đình. Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ, từ thay đổi định kiến của phụ huynh, định hướng đúng cho học sinh, đến nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trong các trường trung cấp, cao đẳng.
Công tác này nếu được thực hiện theo đúng lộ trình và mục tiêu đề ra cũng sẽ góp phần hạn chế “những cơn đau tim” vì thấp thỏm chờ điểm chuẩn vào các trường THPT của cả phụ huynh và học sinh. Phóng viên TTXVN đề cập đến vấn đề này qua hai bài viết với chủ đề: Hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở - cần giải pháp căn cơ
Thực tế công tác giáo dục và đào tạo ở nước ta trong những năm qua cho thấy, việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở (THCS) là hết sức quan trọng, góp phần tạo sự cân đối, hài hòa trong cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước. Việc hướng nghiệp sẽ giúp mỗi học sinh cũng như các bậc phụ huynh đánh giá được năng lực, sở trường, điều kiện của con em mình, để cùng với nhà trường định hướng lựa chọn con đường học tập cho mỗi học sinh sau khi học xong bậc THCS, các em sẽ học tiếp và học ở đâu để có thể nhanh chóng tham gia ngay vào thị trường lao động.
Phân luồng vào các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp
Tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục Hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đề án có mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với học sinh tốt nghiệp THCS, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỉ lệ này là 25%. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất có 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, công tác hướng nghiệp, phân luồng, định hướng học sinh đã được các địa phương nỗ lực thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2019-2020, các trường THPT công lập sẽ tuyển trên 67.290 học sinh vào lớp 10 và dự kiến có khoảng 32.000 học sinh không có cơ hội học lớp 10 các trường công lập.
Thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giúp học sinh lớp 9 - lớp cuối cùng của bậc THCS có những quyết định con đường tương lai đúng đắn. Nghĩa là, các em có thể tìm hiểu, lựa chọn đăng ký dự thi để vào học tại các trường THPT công lập, dân lập hoặc đăng ký vào học ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm đào tạo nghề, các trường trung cấp, cao đẳng nghề...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã yêu cầu các trường tổ chức họp với phụ huynh và học sinh lớp 9, chú ý nhấn mạnh nội dung trọng tâm là hướng dẫn xét tốt nghiệp trung học cơ sở của năm học, đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 THPT và định hướng công tác hướng nghiệp học sinh sau THCS, giới thiệu kỹ đến phụ huynh và học sinh lớp 9 về các trường cao đẳng, trung cấp có xét tuyển học sinh tốt nghiệp THCS.
Nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố đã chủ động phối hợp, liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn, tổ chức cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các trường nghề, giúp các em hiểu hơn về trường trung cấp, cao đẳng nghề và những ngành nghề mà các trường đang đào tạo, từ đó có quyết định phù hợp với năng lực của bản thân. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS, đến năm 2020 sẽ còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 ở các trường công lập.
Không chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Trà Vinh dù chưa phải là địa phương “nóng” về công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp trong hệ thống giáo dục phổ thông, song để thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, tạo sự cân đối trong hệ thống giáo dục, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân luồng cho học sinh đã và đang được các địa phương quan tâm thực hiện.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh từ đầu cấp; xây dựng chương trình hướng nghiệp, phân luồng học sinh trên địa bàn; có kế hoạch tổ chức thực hiện việc tư vấn hướng nghiệp, vận động các em vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với năng lực học tập. An Giang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
Còn Trà Vinh - tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 20%. Tỉnh phấn đấu ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 15%.
Để đạt mục tiêu trên, Trà Vinh tập trung thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như: Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, xây dựng trang thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động và các dữ liệu liên quan đến các ngành nghề, thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động… Tỉnh cũng tăng cường tổ chức các ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; tổ chức thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp, các hoạt động giao lưu giữa học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân…
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp để thu hút học sinh tham gia học nghề; đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp về kiến thức, kỹ năng tư vấn, phương pháp tư vấn hiện đại; thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nhân… tham gia tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Các trường nghề rộng mở
Ngày 2/3/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo đó, Bộ cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học để lấy bằng cao đẳng.
Mới đây, tại một chương trình hướng nghiệp cho học sinh THCS diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân đã khẳng định: Trong bối cảnh mới, ngoài dạy chữ, học sinh còn cần được chú trọng trang bị kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập xã hội, kỹ năng học tập, làm việc để có thể có việc làm tốt. Sau khi học hết lớp 9, các em có rất nhiều lựa chọn. Các em có thể tiếp tục học văn hóa bậc THPT, nhưng cũng có thể kết hợp học văn hóa với học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng... Hướng đi nào cũng trang bị cho các em kỹ năng và năng lực để gia nhập thị trường lao động.
Hiện nay, hệ thống các trường dạy nghề hệ trung cấp, cao đẳng được phân bố rộng khắp ở nhiều địa phương trong cả nước, với nhiều nghề, nhiều hệ đào tạo linh hoạt, tạo thuận lợi tối đa cho người học. Chẳng hạn, năm học 2019- 2020, Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyển sinh hàng loạt nghề mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng cao như: Thiết kế đồ họa, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, quản trị mạng máy tính, vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh, may thời trang, tự động hóa công nghiệp…
Trong đó, trường thông báo tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã hoàn thành chương trình lớp 12; học sinh tốt nghiệp THCS hoặc đã hoàn thành chương trình lớp 10, 11. Sau thời gian học 2 năm học sinh được cấp bằng trung cấp. Sau đó, học sinh có thể tiếp tục học liên thông cao đẳng, đại học. Trong thời gian học tại trường, học sinh được hỗ trợ vay vốn học tập; được đào tạo các kỹ năng mềm; được miễn, giảm học phí, cấp học bổng theo quy định; hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ hợp tác lao động Nhật Bản; du học nghề tại Đức. Học sinh cũng có cơ hội tham dự các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới; đạt chuẩn Anh văn, Tin học Quốc tế khi tốt nghiệp.
Tương tự, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng với hàng chục ngành nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Trong đó, nhiều ngành đang rất “khát” lao động, đại diện các doanh nghiệp đến tận trường để tuyển dụng song vẫn không tuyển đủ như: Bảo trì và sửa chữa ô tô, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp và dân dụng, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Học sinh tốt nghiệp THCS học hệ trung cấp được miễn 100% học phí theo quy định. Sau khi học, học sinh được giới thiệu nơi thực tập, nơi làm việc phù hợp...
Theo thạc sỹ Tôn Ngọc Triều, Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, sau khi tốt nghiệp, học sinh các trường nghề rất thuận lợi trong tìm việc làm với mức thu nhập ổn định. Hiện Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, đã ký kết với khoảng 30 doanh nghiệp để hợp tác đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng của khoa đến thực tập, tìm việc làm. Do đó, ngay sau khi tốt nghiệp, 100% học sinh, sinh viên của khoa đã có việc làm ổn định.
Bài 2: Phụ huynh phải “thông”, học sinh phải hiểu