“Các cơ sở dạy nghề đã được trao quyền chủ động trong tuyển sinh, nếu không thực hiện tốt công tác hướng nghiệp học nghề sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh”, PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhấn mạnh.
Thưa ông, nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến các trường nghề khó tuyển sinh là do công tác hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Ông có nhận xét gì về thực trạng hướng nghiệp ở nước ta hiện nay?
Hướng nghiệp là việc hết sức quan trọng, nhằm cung cấp cho học sinh hệ thống kiến thức nghề nghiệp để có cơ sở tư vấn lựa chọn nghề học phù hợp với năng lực bản thân. Ở nước ta đang thực hiện hai hình thức hướng nghiệp.
Thứ nhất là hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông. Trong giai đoạn này, hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh hình thành khả năng nhận thức nghề nghiệp và mối quan hệ khăng khít giữa nhu cầu xã hội với khả năng phát triển bản thân.
Hai là hướng nghiệp trong cơ sở dạy nghề. Với những kiến thức đã được học trong trường phổ thông, học sinh đã khẳng định được cho mình con đường lập nghiệp. Tuy nhiên các em vẫn chưa đủ hiểu biết và chưa có nhiều cơ hội để thử sức với nghề đã chọn. Hướng nghiệp trong các cơ sở dạy nghề chủ yếu tập trung giúp các em tìm hiểu sâu về nghề, giáo dục lòng yêu nghề, tạo điều kiện để các em nhanh chóng thích ứng với nghề, hào hứng trong quá trình học nghề và an tâm với nghề đã chọn.
Nước ta đang hướng nghiệp có các hình thức chính: Hướng nghiệp qua dạy - học và môn khoa học cơ bản; qua dạy - học các môn khoa học công nghệ, học nghề và lao động sản xuất; qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt hướng nghiệp; qua các hoạt động tham quan ngoại khóa, các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình và các tổ chức xã hội; tư vấn chọn nghề cho học sinh.
Trước thực tế đó, theo ông, cần phải có những giải pháp nào để công tác hướng nghiệp được hiệu quả hơn và Tổng cục Dạy nghề triển khai những giải pháp này thế nào?
Tổng cục Dạy nghề là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực dạy nghề sẽ cung cấp thông tin để giúp xã hội nắm bắt được về xu hướng và các quy định tuyển sinh đào tạo nghề.
Hiện nay, các cơ sở dạy nghề đã được trao quyền chủ động trong tuyển sinh nên nếu không thực hiện tốt công tác hướng nghiệp học nghề thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các trường.
Bởi vậy, trước hết, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên trường dạy nghề về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp. Hiện nay, bộ phận cán bộ, giáo viên tại các cơ sở dạy nghề chưa thực sự quan tâm đến công tác hướng nghiệp. Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức được việc lựa chọn nghề đúng đắn có ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực nghề nghiệp tương lai. Do đó, cần quan tâm đến công tác hướng nghiệp để giúp học sinh tích cực và chủ động trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Thứ hai là, thành lập tổ chức về công tác hướng nghiệp ở cơ sở dạy nghề. Để công tác hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện có tổ chức, nề nếp, không tùy tiện đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác hướng nghiệp cần phải hình thành tổ chuyên trách về hướng nghiệp trong trường dạy nghề. Lựa chọn những cán bộ có năng lực, lòng nhiệt tình và hứng thú với công tác hướng nghiệp. Có cơ cấu hợp lý và cơ chế hoạt động rõ ràng, minh bạch, phối hợp tốt với các tổ chức khác trong cơ sở để đảm bảo hiệu quả của công tác hướng nghiệp.
Ba là, thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với trường phổ thông. Từ đó, tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và trường phổ thông, có kế hoạch công tác rõ ràng về nội dung hợp tác, thời gian thực hiện và trách nhiệm của mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh. Nội dung hợp tác có thể bao gồm: giới thiệu ngành nghề đào tạo, dạy nghề hướng nghiệp, sinh hoạt ngoại khóa hay tư vấn nghề nghiệp tại trường phổ thông...
Sự tham gia của cơ sở dạy nghề đối với công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông là sự bổ sung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp. Việc này không chỉ có lợi cho trường phổ thông mà còn là cầu nối cơ sở dạy nghề với học sinh, tạo đà phát triển cho cơ sở dạy nghề về lâu dài.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Mạnh Minh