Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải làm trái nghề, phải chuyển đổi công việc nhiều lần và làm những việc không liên quan kiến thức chuyên môn đã được học... Đây là những hệ lụy khá phổ biến từ việc thiếu thông tin khi chọn ngành nghề. Bằng ĐH cất trong tủTốt nghiệp ngành tiếng Trung Quốc tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Phượng nộp đơn nhiều công ty, nhưng đến nay vẫn không xin được việc làm, vì chỉ có vốn ngoại ngữ được học, mà không đáp ứng được kĩ năng ngoại ngữ cần phải có kỹ năng hành chính văn phòng như các công ty yêu cầu.
Phượng chia sẻ: “Sau một thời gian xin việc không được, tôi về Vũng Tàu làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên cung cấp các thiết bị dầu khí. Công việc của tôi không liên quan đến những kiến thức tôi đã từng học trong trường học. Để làm tốt công việc của mình, tôi phải tranh thủ buổi tối đi học thêm các khóa đào tạo về kế toán, thuế, hải quan. Kiến thức sau 4 năm học ĐH ngành tiếng Trung của tôi không dùng đến, tấm bằng ĐH học cũng chỉ để đấy… cho vui”.
Học sinh được trực tiếp quan sát về ngành in của trường CĐ Công Thương. |
Phượng tâm sự: “Ở thời điểm chọn ngành học, tôi cũng không biết tôi sẽ được đào tạo những gì, ra trường có thể làm công việc gì. Thấy bạn bè xung quanh đăng ký, tôi cũng đăng ký. Khi vào học, tôi cũng không thật sự thích, nhưng vì đã lỡ rồi nên cũng đành phải học cho xong. Nếu cho chọn lại, tôi sẽ chọn đi làm sau khi tốt nghiệp lớp 12. Sau một thời gian đi làm, tôi sẽ biết mình phù hợp, yêu thích với công việc gì, rồi mới quyết định học để nâng cao kiến thức, tay nghề cho công việc của mình. Giá như ngày xưa chúng tôi được những người đi trước tư vấn về những ngành nghề chúng tôi theo học thì bây giờ tấm bằng đại học đã có thể phát huy giá trị hơn”.
Theo nguyện vọng của gia đình, Thanh Duy (Q. 7) đăng ký thi vào trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nhưng Duy lại chỉ thích học về công nghệ thông tin. Sau một năm học Kinh tế, Duy thi vào một trường CĐ về công nghệ thông tin. Để không phụ lòng bố mẹ, Duy học song song cả ngành mà mình yêu thích và ĐH kinh tế.
Có bằng CĐ, Duy xin vào một công ty lập trình máy tính của Australia với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, Duy chia sẻ: “Vì không thích ngành kinh tế, nên mình học cũng chỉ để cho xong và ra trường, chứ cũng không tập trung học. Còn ngành công nghệ thông tin, mình yêu thích nên mọi thứ liên quan đến nó mình đều tìm hiểu kĩ, hơn nữa trường mình học hầu như là cầm tay chỉ việc, trang bị tốt về kĩ năng, được thực hành thường xuyên. Từ những kiến thức cơ bản đó, mình có thể mày mò và sáng tạo ra những cái mới hơn”.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội, có trên 162.000 người có bằng từ cử nhân trở lên, đang thất nghiệp. Hiện xã hội cần nhiều lao động phổ thông và trung cấp nghề, trong khi các trường đa phần là tuyển sinh hệ đại học. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên thất nghiệp, trong đó, lao động trình độ ĐH, tuổi từ 20 -24 tuổi, chiếm 20%.
Trọng bằng cấpTheo các chuyên gia, do thiếu kiến thức trong việc chọn ngành nghề, nên khá nhiều học sinh chọn ngành đào tạo không phù hợp. Hiện tượng làm trái nghề, chuyển nghề sau khi tốt nghiệp, thậm chí là sau khi tốt nghiệp không sử dụng kiến thức chuyên ngành được học, là khá phổ biến. Tỉ lệ sinh viên năm thứ nhất, năm thứ 2 xin bảo lưu kết quả, xin chuyển ngành, chuyển trường hoặc bỏ học giữa chừng, chiếm một con số khá lớn.
Theo thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, hiện xã hội vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp. Hầu hết phụ huynh và học sinh đều nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào một trường ĐH nào đó, nhiều người tìm mọi cách cho con em mình vào học trong các trường ĐH, mà không tìm hiểu rõ các trường ĐH đó chất lượng đào tạo ra sao, có phù hợp với sở trường con em của mình hay không?
“Người học hiện nay thì đang trọng bằng cấp, còn người tuyển dụng thì đang hướng vào những người được đào tạo nghề, có kỹ năng về nghề nghiệp, vì vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn cử nhân ra trường không tìm được việc làm, còn doanh nghiệp thì không tuyển dụng được lao động”, thầy Lý phân tích.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp đồ điện - cơ khi ( Bình Tân ) chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp ra trường thường không có kỹ năng nên chúng tôi phải đào tạo lại. Những công việc ở xưởng chúng tôi cũng không cần người có trình độ đại học chỉ cần tốt nghiệp trung cấp hay CĐ nghề. Thợ làm được việc ở đây thường gắn bó lâu dài hơn với công ty, còn tuyển sinh viên tốt nghiệp ĐH họ chỉ làm một thời gian rồi nghỉ việc, bởi họ cho rằng mức lương không tương xứng với bằng cấp của mình”.
Thầy Nguyễn Đăng Lý cho biết thêm, để cân đối nguồn nhân lực, trước mắt chúng ta cần phải có sự định hướng rõ ràng cho học sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề. Em nào nên vào trường nghề và em nào nên vào ĐH. Những học sinh vào ĐH phải là những "tinh hoa" chứ không phải đại trà như hiện nay, tránh tình trạng ai cũng có thể vào được ĐH và học được một thời gian thì nghỉ, hay ra trường không xin được việc làm do thiếu kỹ năng nghề nghiệp. “Hàng năm có khoảng 9 -10 % sinh viên đang theo học tại các trường ĐH bỏ học, xin chuyển vào trường chúng tôi để học nghề. Nếu chúng ta có một sự định hướng tốt thì sẽ tránh được tình trạng lãng phí trong đào tạo”.
Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo - Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, hướng nghiệp là vấn đề lớn cần phải đi trước một bước, bởi việc chọn ngành nghề không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học hành và công việc sau này của các thí sinh. Do đó, dù quy chế, chính sách có thay đổi và đổi mới như thế nào, nhưng vấn đề hướng nghiệp vẫn luôn là cốt lõi.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường lao động hiện không chỉ giới hạn ở trong nước. Với sự hội nhập sâu rộng, nhu cầu nhân lực quốc tế cũng ngày càng rộng mở. Nguồn việc làm cho các khóa sinh viên tốt nghiệp những năm sắp tới sẽ rất dồi dào. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cũng sẽ rất gắt gao, yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp cũng khắt khe hơn. Trong điều kiện cạnh tranh như vậy, thông thạo ngoại ngữ sẽ trở thành một trong các lợi thế đáng kể đối với đội ngũ lao động trẻ.
Đan Phương