Giờ học của học sinh trường Trung học cơ sở Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN |
Mở đầu năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đón nhận nhiều tin vui: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được thông qua; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2017 khép lại với dư âm đáng mừng về những đổi mới trong thi cử.
Tuy vậy, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà đều canh cánh nỗi niềm: Chất lượng đội ngũ người thầy đang bộc lộ nhiều bất cập mà câu chuyện mới nhất là điểm tuyển sinh các trường sư phạm năm học này chỉ mấp mé điểm sàn, điều đó có nghĩa "đầu vào" như vậy, khó mà mong "đầu ra" chất lượng cao. Chất lượng học sinh cũng đáng lo ngại với những lỗ hổng kiến thức ở nhiều môn (nhất là khoa học xã hội) và sự thiếu hụt về đạo đức ở một bộ phận giới trẻ. Cơ cấu "dạy" đang nặng về kiến thức mà nhẹ phần kỹ năng sống...
Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, ngành GD - ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập cần khẩn trương khắc phục, đó là quy hoạch mạng lưới chậm được triển khai; tình trạng thiếu trường, lớp ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...
Câu hỏi được đặt ra là ngành GD - ĐT phải làm gì để đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển đất nước? Có nhiều ý kiến rất khác nhau, nhưng đều thống nhất quan điểm: Giáo dục đào tạo là việc cực kỳ hệ trọng, không thể phó thác cho một mình ngành GD - ĐT, mà phải có sự phối hợp thực hiện của toàn xã hội. Chỉ có nhà trường dạy dỗ mà gia đình buông lỏng thì khó có trò ngoan, trò giỏi. Ngành GD - ĐT cố gắng nhưng các ngành hữu trách không phối hợp nhịp nhàng thì hệ thống giáo dục khó hoàn hảo.
Có một thực tế mà ai cũng thấy là con em của chúng ta đang phải học chương trình quá nặng và chịu áp lực học hành một cách ghê gớm. Chúng phải chạy đua học ở lớp, ở nhà, học thêm... nhắm tới mục tiêu là phải vào được đại học. Nhiều phụ huynh học sinh quan niệm đại học là con đường duy nhất nên bằng mọi giá đầu tư cho con ôn luyện, thi cử để đạt được mục đích. Cũng vì mục tiêu đó mà phụ huynh gây áp lực với con em mình. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh sẽ được hưởng lợi nhiều, đặc biệt là việc giảm nhồi nhét kiến thức. Nhưng cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chương trình.
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là sự đổi mới này đến đâu, hiệu quả mang lại như thế nào, cách thức, cơ chế vận hành ra sao? Cần phải thấy rằng, bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, khi một chủ trương nào ra đời, chưa được kiểm chứng, sẽ không khỏi có những ý kiến phản biện, thậm chí trái chiều. Nhưng cũng rất lạc quan, cả xã hội luôn nung nấu với sự nghiệp đổi mới giáo dục, nên sẵn sàng ủng hộ cho cái mới, ý tưởng mới ban đầu. Vấn đề đặt ra, để chương trình có tính khả thi, trước hết ngành GD - ĐT cần có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất, đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.