Gia đình anh Giàng Mý Và (người dân tộc Mông), tại thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) hiện có 5 người con. Năm học này, 4 đứa con nhỏ của anh đều đi học tại Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, trong đó, có 3 cháu học theo sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Anh Và cho biết, vợ chồng anh rất lo lắng vì năm nay, số tiền mua sách cho các cháu quá lớn so với điều kiện của gia đình. Để có tiền mua sách cho con đi học, anh phải đi làm thuê ở nhiều nơi. Năm nay, ngoài hai cháu cùng vào học lớp 7, gia đình anh có một cháu lên lớp 3, một cháu năm nay vào lớp 4. Do điều kiện khó khăn, anh Và chỉ đủ tiền mua 3 bộ sách giáo khoa với số tiền khoảng 1,7 triệu đồng.
“Để các con đi học mà không có sách, việc học không mang lại hiệu quả. Do vậy, chúng tôi phải cố gắng chắt chiu mua cho con. Hai cháu học lớp 7 phải dùng chung sách để tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Vào đầu năm học, không chỉ riêng tiền mua sách mà còn nhiều khoản khác phải lo nên tiết kiệm được đồng nào, tốt đồng đấy”, anh Giàng Mý Và chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Giàng Mý Và, nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khăn trong việc mua sắm sách giáo khoa mới đầu năm học cho con em mình. Bởi, từ năm học 2022-2023, khi Nghị quyết 31/2016/NQ-HĐND ngày 6/9/2016 của HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành về chính sách hỗ trợ sách giáo khoa và vở viết cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đã hết hiệu lực (từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021). Do đó, các em học sinh không còn được hỗ trợ.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết, địa phương là huyện nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Việc Nghị quyết 31 hết hiệu lực đã gây nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, nhất là sách giáo khoa mới. Nếu như mọi năm, học sinh có thể xin hoặc mua lại sách giáo khoa cũ của các anh, chị khóa trước, năm học 2022-2023, là năm học đầu tiên triển khai giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khối lớp 3, 7 và 10 phải sử dụng sách giáo khoa mới hoàn toàn.
Theo thầy Trương Khánh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, đặc thù của trường là có đông học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 65%), trong đó có nhiều học sinh thuộc diện khó khăn. Trước tình hình trên, từ nhiều tháng nay, nhà trường có kế hoạch vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng học tập cho các em học sinh. Các giáo viên trong trường đã kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh quyên góp sách giáo khoa cũ và vở, bút viết để tặng cho học sinh.
“Trong tuần này và tuần sau, nhà trường sẽ đón hai đoàn đến tặng sách vở cho học sinh của trường. Đối với học sinh khối lớp 1,2,4,5 sách vở, trang thiết bị được nhà trường chuẩn bị tương đối đầy đủ. Khó khăn nhất vẫn là các em học sinh khối lớp 3 vì năm nay phải mua sách giáo khoa mới và chưa được nhận hỗ trợ từ các chính sách hiện hành. Nhà trường đã kết nối và thông báo cho phụ huynh chương trình sách theo quy định của UBND tỉnh”, thầy Trương Khánh Toàn chia sẻ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ về giáo dục tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 và Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016, trong đó có bao trùm đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết 31.
Chính vì điều này, sau khi Nghị quyết 31 hết hiệu lực, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông thống nhất đề xuất không tiếp tục xây dựng Nghị quyết thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Đắk Nông từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.
Liên quan đến thời gian chi trả chế độ, Nghị định 81 có quy định: “mỗi học sinh được thực hiện chi trả 2 lần trong năm, vào đầu các học kỳ của năm học”. Song trên thực tế, việc chi trả chế độ cho học sinh theo Nghị định của Chính phủ vẫn thực hiện chậm. Bởi các trường chỉ có thể chi trả từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, sau khi hồ sơ được các cấp chính quyền phê duyệt. Những bất cập trên đã gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh và học sinh nghèo.