Khắc phục hạn chế của năm học cũ

Tiếp tục những đổi mới trong thi, tuyển sinh; kiểm tra, đánh giá, rà soát lại những vấn đề trong đào tạo... là thông tin được đưa ra vào chiều 4/9 tại buổi họp báo khai giảng năm học mới 2016 - 2017 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Khắc phục tình trạng “học tủ”

Về vấn đề quan trọng nhất là phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ đã có một tổ công tác rà soát rất kỹ phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Về cơ bản, chủ trương vẫn là tiếp tục thực hiện theo phương án của năm 2016 nhưng khắc phục những nhược điểm còn tồn tại. Ví dụ về cụm thi, năm ngoái tổ chức hai cụm thi (cụm địa phương và cụm thi đại học); nhưng xét thấy việc để địa phương tổ chức thi là hợp lý nên năm nay chỉ còn một cụm thi. Về đề thi, năm ngoái trong bài thi tự luận ý kiến có lo lắng thí sinh có thể nhìn bài nhau, rồi khi chấm theo barem có sự chênh lệch trong điểm số nên đề thi năm nay sẽ được đổi mới. Cụ thể, sẽ có các bài thi trắc nghiệm tổng hợp với môn toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại ngữ…, chắc chắn sẽ khắc phục được tính phiến diện, “học tủ”. Việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các trường bao quát và gọn nhẹ hơn trong quá trình tổ chức thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi họp báo khai giảng năm học mới 2016 - 2017. Ảnh: MT

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm: “Dù các trường có quyền tự chủ nhưng nhiều trường chưa có kinh nghiệm tổ chức, nên vẫn cần có sự chỉ đạo của Bộ. Việc đổi mới năm nay là kết quả của 3 năm thực hiện theo phương thức đánh giá năng lực. Nếu như năm ngoái thí sinh chỉ được xét tuyển 2 trường, 2 nguyện vọng thì năm nay thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng một lúc. Và nếu kỳ thi vừa qua các trường không được phép cập nhật thông tin trong quá trình xét tuyển thì năm tới các trường sẽ cập nhật thông tin thường xuyên. 

Vấn đề thí sinh “ảo” khiến nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu cũng được đặt ra. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nguyên nhân này có một phần là các trường xác định chỉ tiêu cao hơn so với năng lực đào tạo thực tế. Do đó, năm tới, Bộ sẽ quy định chỉ tiêu không chỉ dựa trên cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy của trường mà còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường lao động và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Để thực hiện điều này, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện, song song với việc hỗ trợ thông tin trong dự báo ngành nghề cho các trường đại học cũng như thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm học vừa qua, ở cụm thi do các trường đại học chủ trì việc huy động giảng viên đại học về coi thi tại các tỉnh vẫn gây tốn kém, bất cập. Năm nay tăng cường cơ chế tự kiểm soát thông qua đề thi. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề thi riêng, không cần tăng cường nhiều giáo viên mà vẫn rất khách quan nhờ hàng rào kỹ thuật.

Cần có lộ trình cho đổi mới

Xung quanh những ý kiến về Thông tư 30 về quy định đánh giá học sinh tiểu học thời gian qua và năm học này Bộ GD - ĐT tiếp tục đưa ra những điểm sửa đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Tinh thần của Thông tư 30 là tốt. Qua thực tế thực hiện cũng có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT sẽ rút kinh nghiệm để có sự chuẩn bị kỹ càng cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Tới đây, Bộ sẽ sửa đổi việc đánh giá kết quả học tập của trẻ sao cho thuận tiện, sát thực tế hơn. “Việc đổi mới từ việc thầy đọc, trò chép sang việc đánh giá năng lực phải khác rất nhiều. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, trải nghiệm và lắng nghe để có những đổi mới phù hợp với thực tế và đảm bảo tinh thần đổi mới”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Về những vấn đề bức xúc trong dạy thêm học thêm mà dư luận đặt ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học thêm là nguyện vọng, là nhu cầu của người học. Việc cấm ở đây là cấm dạy thêm tràn lan, không đúng mức, đưa những nội dung chương trình học mới vào dạy ở lớp học thêm… Muốn giảm dạy thêm học thêm phải có lộ trình. Xác định trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan là có từ chương trình sách giáo khoa hiện hành. Bộ GD - ĐT sẽ khắc phục vấn đề này.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề nan giải, đặc biệt là giáo dục đại học. Tiến tới Bộ sẽ kiểm định chất lượng tất cả các trường ĐH, CĐ để hiểu được Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế, tránh tình trạng các trường tự xưng là “trường trọng điểm, trường tốp trên”. Đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy theo hướng thực học, các trường phải bám sát thị trường lao động thông qua phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Phần lớn các trường sẽ đi theo hướng ứng dụng, thực hành. Bộ sẽ củng cố trung tâm dự báo nghề nghiệp và nhu cầu lao động để các trường tham khảo xây dựng chỉ tiêu và cơ cấu ngành nghề. Sẽ có giải pháp gắn kết các trường với người sử dụng lao động, tạo nên một chuỗi cung ứng.

Trả lời những câu hỏi về việc đầu năm học mới, Bộ GD - ĐT liên tục đưa ra những đổi mới, sửa đổi có thể ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, qua nhiều năm đổi mới, chất lượng giáo dục đi lên, nhưng so với yêu cầu đổi mới là chưa đạt. Đổi mới là quá trình liên tục, cần tính đến tính khả thi, lâu dài.

Lê Vân
Đón năm học mới ở vùng cao Sơn La
Đón năm học mới ở vùng cao Sơn La

Với mong muốn con chữ sẽ được “nảy mầm” ở những bản làng vùng cao, những ngày này, các thầy cô giáo và học sinh tỉnh Sơn La đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bắt đầu năm học mới 2016 - 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN