Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo và các em học sinh trong các nhà trường, đã tạo ra hàng chục ngàn dự án nghiên cứu ở cấp trường, hàng ngàn dự án dự thi cấp tỉnh, hàng trăm dự án dự thi cấp quốc gia. Thành tích đó cũng đã khẳng định học sinh Việt Nam có tiềm năng nghiên cứu khoa học; tiềm năng đó sẽ được phát triển tốt nếu được tạo điều kiện trong học tập, nghiên cứu.
Bộ trưởng hy vọng qua hoạt động này sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.
Về phía các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng. Đây là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp… tạo môi trường phát triển cho giáo dục và đào tạo.
Dự án dự thi của học sinh tỉnh Bắc Giang. |
Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 6 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay thu hút đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên cả nước tham gia với 488 dự án ở 22 lĩnh vực, 882 học sinh tham dự, tăng 30 dự án so với năm học trước.
Riêng khu vực phía Bắc, cuộc thi có 34 đoàn tham gia với 249 dự án của 475 học sinh (THPT có 198 dự án với 375 học sinh, THCS có 51 dự án của 100 học sinh).
Trong khuôn khổ Cuộc thi sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.
Diễn ra đến ngày 13/3, cuộc thi là cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật học sinh trung học nói riêng.