Khai thác ngư trường ở Biển Đông được đưa vào đề Địa

Sáng nay (9/7) kết thúc 180 phút làm bài môn Địa lý khối C, các thí sinh đều thở phào nhẹ nhõm vì đề năm nay không khó, câu hỏi về Biển Đông không khiến các thí sinh bất ngờ vì đa số thí sinh đều đoán trước là sẽ có câu hỏi này trong đề thi.


Theo ghi nhận, tại một số hội đồng thi sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài, lượng thí sinh thi môn Địa lý ra khỏi phòng thi khá đông. Bởi theo các thí sinh, đề thi Địa năm nay vừa sức, không quá khó so với thí sinh.


Thí sinh vẫn hào hứng với câu hỏi về Biển Đông.


Bước ra từ hội đồng thi của trường ĐH Công Nghệ TP Hồ Chí Minh (Điện Biên Phủ - Quận Bình Thạnh) thí sinh Nguyễn Thùy Dương, dự thi vào ngành Quản trị Du lịch của trường phấn khởi nói: Cũng giống như đề thi tốt nghiệp, đề thi ĐH rất mở, không quá khó với thí sinh. Hơn 2/3 thời gian làm bài em đã làm xong bài. Với đề này không chỉ học ở kiến thức trong sách giáo khoa mà còn cần phải vận dụng từ thực tế. Em dự đoán mình làm được 79 - 80%.


Đề Địa không khó và không đánh đố, nhiều thí sinh hài lòng với kết quả làm bài ở môn thi này.


Còn tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4), một điểm thi của trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, chưa hết giờ thi nhưng đã có rất nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi. Tâm lý chung của các em là nhẹ nhàng, thoải mái. Thí sinh Nguyễn Ngọc Như Uyên, đến từ Lâm Đồng cho hay: đề Địa có 4 câu và không có phần riêng như những năm trước. Dù vậy, đề thi khá vừa sức đối với thí sinh, các câu hỏi đều xoay quanh cấu trúc của chương trình tụi em được học. Đúng như “dự đoán” của bọn em, đề thi tiếp tục ra phần về biển, đảo. Câu hỏi về đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa và việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa rất hay và phù hợp.


Tương tự, thí sinh Đỗ Anh Tú, thi vào trường ĐH An ninh Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: Đề thi Địa lý năm nay không quá khó với tất cả các thí sinh, tất cả các câu hỏi đều nằm trong chương trình học. Chỉ có câu 1 là đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng thêm những kiến thức thời sự hiện nay về tình hình an ninh quốc phòng và tình hình việc làm. Hằng ngày, em cũng cập nhật nhiều thông tin thời sự nên em chỉ làm bài thi trong khoảng 80-90 phút là xong nên em quyết định ra sớm. Em nghĩ với đề này em làm được khoảng 8-9 điểm.


Đánh giá về đề thi Địa lý năm nay, cô Nguyễn Thị Bảo Linh, giáo viên môn Địa lý trường THPT Lý Tự Trọng, cho rằng phần lý thuyết không hề khó. Đặc biệt, phần về biển đảo nằm trong dòng thời sự nên học sinh ôn tập khá kĩ ngay từ khi thi tốt nghiệp THPT. Trong đề thi, cũng không có câu hỏi khó để phân loại học sinh. Tuy nhiên, cô Linh cũng lưu ý các thí sinh, dù đề dễ nhưng với thời gian làm bài 180 phút, đáp án chắc chắn sẽ dài và bắt buộc học sinh phải đào sâu hơn các vấn đề. Chẳng hạn câu liên quan đến đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thí sinh không chỉ nêu các luận điểm mà còn phải phân tích luận điểm đó như thế nào. Do đó, nhiều thí sinh chủ quan đề dễ mà không đi sâu vào phân tích thì sẽ khó ăn điểm cao.


Đan Phương - Hoàng Tuyết


Biển đảo lại nóng trong đề thi địa lý
Biển đảo lại nóng trong đề thi địa lý

Đề thi toán ở cả 2 khối khá vừa sức, thí sinh có học lực khá có thể đạt 7 điểm trở lên. Môn địa (khối C) “nóng” với đề thi liên quan đến biển đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN