Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2011 được Bộ GD - ĐT tổ chức ngày 18/2/2011, qua 6 đầu cầu truyền hình có thể xem là bước khởi động chính thức cho mùa tuyển sinh năm nay. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Kỳ thi tuyển sinh năm nay về cơ bản vẫn giữ ổn định, không thay đổi nhiều so với năm trước.
Tiếp tục “ba chung”
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã chỉ đạo thống nhất kỳ thi tuyển sinh năm nay theo giải pháp ba chung trên phạm vi toàn quốc. Giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH và trường CĐ sử dụng đề thi chung của Bộ GD - ĐT chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ GD - ĐT giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Y Hà Nội (năm 2010). Ảnh: Trần Thanh Giang- TTXVN |
Đề thi bám sát chương trình lớp 12 Bộ GD - ĐT hướng tới biên soạn đề thi chung theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng suy luận của thí sinh, phù hợp với nội dung chương trình và thời gian quy định cho từng môn thi, có phổ điểm kết quả hợp lý, khả năng phân loại cao. |
Với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT; các môn năng khiếu thi theo đề riêng của trường. Hiệu trưởng các trường tuyển sinh ngành năng khiếu chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: Ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Những trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển. Đối với các trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ thì không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào hệ này mà sử dụng kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển của trường để xét tuyển.
Các trường đều thống nhất với phương thức thi ba chung. Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn bày tỏ: “Với tình hình hiện nay, chúng tôi đều nhất trí với giải pháp ba chung mà Bộ đang thực hiện. Tuy nhiên, phần xét tuyển (sau khi công bố kết quả thi) thì Bộ nên giao quyền cho các trường nhiều hơn”.
Mỗi thí sinh có ít nhất 3 cơ hội xét tuyển
Việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vẫn được thực hiện trong 3 đợt theo đúng quy trình và thời hạn. Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ (đối với từng đối tượng và khu vực) sẽ được cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi ĐH có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi. Thí sinh dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3. Thí sinh có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn CĐ được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Thí sinh chỉnh sửa hồ sơ tại trường ĐH Sài Gòn năm 2010. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Những thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD - ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường CĐ đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) được trường CĐ tổ chức thi cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi CĐ, có đóng dấu đỏ của trường CĐ tổ chức thi. Thí sinh dùng Giấy chứng nhận kết quả thi này để tham gia ĐKXT (đợt 2 hoặc đợt 3) vào các trường CĐ khác còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Tạo thuận lợi cho thí sinh và nhà trường
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, kỳ thi tuyển sinh 2011, Bộ bỏ quy định “nộp hồ sơ trúng tuyển” khi thí sinh trúng tuyển nhập học. Để thí sinh không phải nộp lại phiếu báo điểm khi trúng tuyển, Bộ cũng sửa đổi về quy định gọi trúng tuyển. Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển do Ban Thư ký trình và ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong giấy triệu tập cần ghi rõ kết quả thi của thí sinh và những thủ tục cần thiết khi nhập học.
Ngoài ra, Bộ GD - ĐT bổ sung một số điểm liên quan đến thí sinh là: Học sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), khi đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường, xem xét quyết định cho vào học.
Những điểm thay đổi trên được nhiều trường tại 6 đầu cầu hưởng ứng. Tại hội nghị tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến từ các trường và sớm công bố Quy chế tuyển sinh năm 2011. Trước những đề nghị về những ngành khó tuyển sinh nhưng vẫn nằm trong danh mục chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia được áp dụng điều 33 để tuyển sinh được Bộ trưởng hứa tiếp tục thảo luận cùng các cục, vụ.