Theo phân tích của những nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý giáo dục thì việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 không có lợi về mặt tâm lý cho trẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ sẽ chán nản và có tâm lý sợ học ngay từ khi chưa vào lớp 1.
Trẻ sẽ chán nản nếu học trước
Trường dân lập Đoàn Thị Điểm cũng tổ chức câu lạc bộ cho những em sắp bước vào lớp 1 tham gia nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng của trường khẳng định, đây không phải là hình thức dạy chữ cho trẻ. Chúng tôi tổ chức hoạt động này là để cho các em tự tin khi bước vào lớp 1. “Trường tôi không chủ trương tuyển những em học trước chương trình. Bởi, kinh nghiệm cho thấy những em này khi vào học rất chủ quan, không đọc đúng, viết đúng như yêu cầu sư phạm”, bà Hiền nhấn mạnh.
Hướng dẫn trẻ mầm non tập viết chữ. |
Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Nốt nhạc vui (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, mặc dù, có nhiều phụ huynh muốn nhà trường tổ chức ôn luyện thêm cho con trước khi vào lớp 1 hoặc tăng thêm giờ luyện chữ, học toán cho các con, nhưng nhà trường chỉ tổ chức cho trẻ học theo đúng chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. “Chương trình này chỉ yêu cầu trẻ làm quen với chữ cái, nhận biết được 24 chữ cái một cách thành thạo; biết làm toán thêm bớt theo nhóm trong phạm vi 10; có ý thức ngồi học trong thời gian từ 30 - 40 phút. Những yêu cầu trên là phù hợp với tư duy và nhận thức của trẻ 5 tuổi”, bà Vân khẳng định.
Bà Vân cho biết thêm, nhà trường nhất trí cao với yêu cầu của ngành giáo dục về việc không luyện thi cho trẻ trước khi vào lớp 1. Vì, việc tổ chức luyện thi quá sức đối với trẻ 5 tuổi có thể gây nhiều hậu quả xấu đến nhận thức và tâm lý của trẻ. Thực tế, chương trình học của hầu hết các “lò luyện” đều vượt quá khả năng tiếp thu kiến thức và sự nhận thức của trẻ. Chẳng hạn, tham gia các khóa học ở các “lò luyện”, trẻ có thể đọc thông, viết thạo chứ không chỉ là nhận biết và làm quen với chữ viết và con số; thời gian học của trẻ kéo dài từ 1 - 2 tiếng là vượt quá khả năng tiếp thu của trẻ… Nhiều trẻ 5 tuổi bị bố mẹ ép học chương trình quá nặng, thậm chí phải mang cả sách vở học thêm đến lớp mầm non để làm bài tập.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội cũng cho rằng, việc học trước chương trình khi trẻ chưa đủ tuổi có nhiều hệ lụy mà phụ huynh khó có thể lường trước. Đó là, về mặt tâm lí, khi ở độ tuổi mầm non mà trẻ phải bớt vui chơi để học tập quá nhiều thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng. Về sức khỏe, khi các khớp xương chưa ổn định mà trẻ đã phải cầm bút để viết theo quy định làm các khớp xương sẽ phát triển không bình thường. Mặt khác, việc biết đọc, biết viết trước các bạn sẽ dễ khiến trẻ nảy sinh tâm lý chủ quan, không tập trung chú ý nghe cô giảng, tiếp thu bài không kỹ và chắc chắn như các bạn khác. “Ngành giáo dục cũng quy định tất cả giáo viên trong quá trình dạy học phải đảm bảo trình tự của các bước lên lớp, tuyệt đối không được cắt xén chương trình nên phụ huynh yên tâm không cần thiết phải cho con đi học trước”, ông Tiến khẳng định.
Cần sự phối hợp đồng bộ
TP Hồ Chí Minh cũng có chung thực trạng về việc luyện thi cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế học sinh vào lớp 1 đã học trước chương trình là hiện tượng có thật. Tuy nhiên, cũng khó cấm được những cơ sở luyện thi này nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ. Để tránh tình trạng “thi đâu, luyện đấy” của phụ huynh học sinh, Sở GD - ĐT không cho phép các trường tiểu học tổ chức luyện thi trong những tháng hè, đảm bảo công bằng trong học tập cho tất cả trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD - ĐT cho biết, thực tế việc luyện thi vào lớp 1 hay dạy trước chương trình trước khi vào lớp 1 đang diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn. Điều này đang thực sự là vấn đề “nóng” của ngành và thời gian tới sẽ phải siết chặt hơn việc này bằng những quy định, thông tư cụ thể hơn. Hiện nay, Bộ đã có công văn hướng dẫn các sở về triển khai nhiệm vụ năm học tới, trong đó, có quy định cấm học chữ, học trước chương trình trước khi học sinh vào lớp 1. “Theo tôi để quản lý việc luyện thi lớp 1 cho trẻ 5 tuổi có hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương với ngành giáo dục. Ngay cả cha mẹ học sinh cũng phải có nhận thức đúng đắn về việc này thì mới chấm dứt được thực trạng không mong muốn như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Thắm khẳng định.
Bài cuối: Chuẩn bị hành trang cần thiết cho trẻ vào lớp 1