Cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm, xô đẩy, lộn xộn... trước cổng trường PTCS Thực nghiệm (phố Liễu Giai, Hà Nội) để mua đơn cho con học lớp 1 đã diễn ra trong hai ngày 12 và 13/5/2012. Nhiều phụ huynh thắc mắc: Mô hình trường thực nghiệm được tín nhiệm như vậy, sao không nhân rộng?
Đội mưa xếp hàng
Trường PTCS Thực nghiệm thông báo ngày 12/5 sẽ bán hồ sơ nhưng từ chập tối 11/5, bất chấp trời mưa, hàng trăm phụ huynh đã ở cổng trường để “đón đầu” phiếu tích kê để được mua đơn. Cảnh xếp hàng kéo dài tới hết đêm.
Đêm 12/5, lực lượng công an phải phong tỏa cổng trường PTCS Thực nghiệm. |
Được biết, năm nay trường PTCS Thực nghiệm có 140 chỉ tiêu vào lớp 1, trong khi nguyện vọng được học nhiều gấp 4 – 5 lần con số đó. Trước cảnh chen lấn, xô đẩy tại cổng trường sáng 12/5, Ban giám hiệu nhà trường quyết định không bán hồ sơ trong ngày 12/5 và ra thông báo: “Chủ nhật (13/5/2012) nhà trường sẽ mở cổng từ 6 giờ sáng và tiến hành bán đơn vào lớp 1 với số lượng đủ theo nhu cầu của phụ huynh học sinh. Vì vậy, nhà trường đề nghị các vị phụ huynh không tập trung tại cổng trường trước thời gian trên, gây mất an ninh trật tự trong khu vực...”. Đêm 12/5, cảnh xếp hàng trắng đêm lại diễn ra và phải nhờ sự can thiệp của lực lượng Công an phường Cống Vị. Tuy nhiên, trong sáng 13/5, cảnh chen lấn vẫn diễn ra, phải rất vất vả, nhà trường cũng như lực lượng công an mới trấn an được hàng trăm phụ huynh.
Anh Nguyễn Trọng Hải (nhà ở Đội Cấn) cho biết: “Tôi có cậu con trai lớn đang học lớp 4 của trường này. Qua 4 năm cháu học, tôi nhận thấy đây là môi trường học tốt. Giáo viên có kỹ năng giảng tốt, thường xuyên sáng tạo trong bài giảng (cho học sinh đóng kịch, học ngoài trời, có nhiều giáo cụ trực quan...) và thái độ rất công bằng. Chương trình học không bị áp lực như các trường ngoài, cơ sở vật chất tốt và đặc biệt mỗi lớp chỉ từ 35 – 40 cháu. Ngay từ khi con tôi vào lớp 1, cháu đã được rèn luyện về sự chủ động, độc lập khi tiếp cận với chương trình học. Môi trường học tốt như vậy nhưng học phí lại ở mức nhiều người có thể chi trả được. Vì vậy với cháu thứ hai tôi tiếp tục mong cháu được học tập ở môi trường này”.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ rằng: “Mô hình trường tốt như vậy nhưng không hiểu tại sao vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Điều này gây nên cảnh phụ huynh trắng đêm xếp hàng mà vẫn lo con sẽ không được học”.
Tính đến chiều ngày 13/5, hàng trăm phụ huynh đứng chờ ở cổng trường PTCS Thực nghiệm đều thở phào vì đã mua được đơn xin cho con vào học lớp 1. Theo Ban giám hiệu trường PTCS thực nghiệm, nhà trường đã giải quyết được đa số nhu cầu mua đơn của phụ huynh. Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Thực nghiệm bày tỏ: “Trường có 4 phòng học dành cho lớp 1 nên chỉ tiêu chỉ được ở mức 140. Sở dĩ nhà trường chuẩn bị số tích kê là dựa trên nhu cầu của năm 2011(trường bán gần 300 hồ sơ và những người xếp hàng từ đêm hôm trước đều mua được đơn). Tuy năm nay có phần đông hơn, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo những phụ huynh có nhu cầu đều được mua đơn. Điều đáng buồn là cách hành xử của phụ huynh”.
Chỉ có một chương trình sách giáo khoa hiện hành
Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Thực nghiệm cho biết, sau khi nhận hồ sơ của các cháu, từ ngày 2 – 3/6 trường sẽ tổ chức kỳ thi “đo nghiệm” – tên gọi của chương trình. Năm nay, việc tuyển sinh sẽ vất vả hơn mọi năm vì số lượng “ứng viên” đông, trong khi khả năng đáp ứng của nhà trường lại có hạn. Tuy nhiên, bà Hương không tiết lộ trong kỳ thi “đo nghiệm” học sinh sẽ thi những môn như thế nào.
Thực nghiệm giáo dục môi trường tại Trường Tiểu học La Thành (Hà Nội). |
Trước câu hỏi về việc có triển khai đại trà mô hình “trường thực nghiệm” không, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chương trình thực nghiệm được áp dụng bởi nhiều tính tích cực của phương pháp giáo dục như: tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sách tạo của học sinh... Tuy nhiên sẽ không thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Mô hình thực nghiệm đã được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm và đến nay đã thành công. Hiện nay có 16 tỉnh triển khai mô hình thực nghiệm này. Tuy nhiên, ở Hà Nội vì nhiều lý do mà chỉ duy trì một trường PTCS Thực nghiệm thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Ông Lê Tiến Thành cũng cho biết thêm, nơi nào có nhu cầu thí điểm thì cứ tiến hành, Bộ rất khuyến khích. “Phụ huynh đua nhau đăng ký cho con học vào trường thực nghiệm bởi ở đây cơ sở vật chất tốt” – ông Thành giải thích thêm.
- Từ 19 giờ ngày 11/5, nhiều phụ huynh tập trung tại cổng trường PTCS Thực nghiệm (phố Liễu Giai, Hà Nội) để đợi đến 6 giờ sáng ngày 12/5 mua hồ sơ cho con vào học lớp 1 tại trường. - Bất chấp trời mưa, tới 5 giờ sáng 12/5, hàng trăm phụ huynh đứng trước cổng trường PTCS Liễu Giai xếp hàng mua đơn. 6 giờ sáng, bảo vệ nhà trường mở cửa, hàng trăm phụ huynh này đã xô đẩy, chen lấn để vào trường. Mặc dù có lực lượng bảo vệ của nhà trường và Công an phường Cống Vị để ổn định trật tự, nhưng trước dòng người lao ùn ùn kéo tới, những lực lượng này đành bất lực. Chiếc cổng của trường đã bị xô đổ, một số phụ nữ bị ngã và bị giẫm đạp lên người. - Trước cảnh đó, Ban giám hiệu trường PTCS thực nghiệm quyết định không bán hồ sơ trong ngày 12/5 và lùi lại vào 6 giờ sáng ngày 13/5. - 20 giờ ngày 12/5, nhiều phụ huynh tiếp tục đứng trước cổng trường để xếp hàng. Lực lượng Công an phường Cống Vị buộc phải phong tỏa khu vực cổng trường, đến 23 giờ, số phụ huynh đã được giải tán. Tuy nhiên, bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày 13/5, hàng trăm phụ huynh tiếp tục tập trung tại cổng trường. - 6 giờ sáng ngày 13/5, với sự hỗ trợ của lực lượng công an, từng người một được bước qua cánh cổng để vào mua hồ sơ. Vẫn còn cảnh chen lấn, xô đẩy, cảnh la ó om xòm... Nhiều người đã nhận được tích kê và xếp hàng chờ đến lượt mua hồ sơ, trong khi những người khác đành ra về. Để giải quyết nhu cầu của phụ huynh, chiều cùng ngày, trường PTCS Thực nghiệm đã giải quyết xong việc bán hồ sơ. |
Bài và ảnh: Lê Vân