Trong các hình thức khuyến học thì gia đình, dòng họ là yếu tố mang tính bền vững, truyền thống tạo nên sức mạnh chung của khuyến tài, khuyến học ở mỗi địa phương.
Từ mỗi gia đình...
Xác định được vai trò và tầm quan trọng của sự học, mỗi gia đình trong làng xã ở các địa phương từ bao năm nay đã vượt khó khăn đưa con em mình đến trường học chữ. Dù gia đình có khó khăn đến mấy, mẹ cũng cố lo cho con em được học hành. Cứ như thế, trong phạm vi một gia đình, em noi gương anh chị mà tiếp nối. Truyền thống hiếu học xuất phát từ ngay chính gia đình, gia đình là một “tế bào” không thể thiếu được làm nên phong trào hiếu học của cả làng cả xã và địa phương.
Bảng thành tích về những người con họ Cù thành đạt. |
Tại xã miền núi Minh Lương (Đoan Hùng - Phú Thọ), chúng tôi tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Quốc Tần. Minh Lương vốn là một xã nghèo nhất huyện Đoan Hùng, điện nước sinh hoạt còn thiếu thốn, cơ sở vật chất còn khó khăn. Mặc dù vào đầu những năm 90, hoàn cảnh gia đình ông Tần rất khó khăn, cả nhà phải trông chờ vào mấy sào ruộng và mấy nương sắn nhưng vợ chồng ông đã quyết không để các con thất học. Khi ấy, số lượng học sinh của xã do hoàn cảnh quá khó khăn nên bỏ học rất nhiều nhưng ba con ông vẫn kiên trì học tập từ bậc tiểu học đến THCS.
Anh Cù Hùng, Phó Chủ tịch chi hội họ Cù Vĩnh Chân (Hạ Hòa - Phú Thọ) giới thiệu bảng danh sách học sinh của dòng họ đỗ đại học. |
Sau khi học hết bậc THCS, xã chưa có trường cấp 3, vợ chồng ông Tần vẫn quyết tâm cho các con học hết bậc THPT. Hàng ngày ba đứa con ông vượt gần 20 cây số để đến trường. Liên tục từ năm 2000 đến năm 2007, lần lượt các con ông, hai trai một gái đều đỗ đại học. Người con gái cả học đại học y khoa Thái Nguyên, con trai thứ hai học trường ĐHSP Thái Nguyên còn con trai út thi đỗ và học tại trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên. Tấm gương hiếu học của gia đình ông Nguyễn Quốc Tần đã có tác động lớn đến nhận thức của người dân xã Minh Lương.
… Đến mỗi dòng họ
Trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ở các dòng họ đã phát triển rộng khắp và tạo thành một động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần hiếu học ở mỗi địa phương. Chuyện học và khuyến khích con em học hành thành đạt đã được nhiều dòng họ đưa vào “chương trình nghị sự” của các cuộc họp họ. Việc noi gương sáng trong chuyện học hành luôn được dòng họ quan tâm bằng việc tuyên truyền, vận động rồi lập bảng vàng và làm tốt việc lập quỹ khuyến học khuyến tài, tổ chức trao thưởng vào dịp tổng kết năm học, thi đại học cao đẳng.
Ông Cù Ngọc Phách chủ tịch chi hội bên bảng vàng khuyến học của dòng họ. |
Có một làng nhỏ nằm phía bên tả ngạn sông Thao, quanh năm mưu sinh bằng nghề trồng lúa, trồng ngô. Có một dòng họ từ xa xưa đến vùng đất này lập nghiệp, gây dựng cơ đồ. Chuyện học chữ và lập thân ở dòng họ này đã hun đúc thành truyền thống hiếu học của dòng họ, làm rạng danh quê hương. Đó là dòng họ Cù ở chi 2 xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa - Phú Thọ).
Hội nghị khuyến học của dòng họ Cù Vĩnh Chân Hạ Hòa Phú Thọ. |
Bám trụ đất Vĩnh Chân tới 15 đời, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của đất nước nhưng dòng họ Cù ở chi 2 vẫn phát huy được truyền thống hiếu học của dòng họ. Đời này nối tiếp đời kia, anh em con cháu bảo nhau học chữ, rèn luyện thành tài để trở thành cán bộ, trở thành người tốt trong xã hội. Cũng từ đó, những người con của dòng họ Cù nối gót nhau từ vùng quê trung du nghèo khó, dùi mài kinh sử để thi thố và lập thân. Khi được hỏi về thành tích và sự đỗ đạt của dòng họ, ông Cù Ngọc Phách Chủ tịch Chi hội khuyến học 2 của dòng họ Cù vui vẻ cho biết, tính đến nay, trong dòng họ có gần 200 người tốt nghiệp đại học. Trong đó, có 15 tiến sỹ, 3 giáo sư, phó giáo sư, 1 nhà giáo nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú, gần 40 đảng viên có 40-50-60 tuổi Đảng.
Ông Phách cũng cho biết, nhiều người đã học hành và đỗ đạt thành tài, giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương và trong tỉnh. Dòng họ có bà Cù Thị Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội, nguyên chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện là chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam. Ông Cù Văn Chước, chuyên viên cao cấp, người trực tiếp phục vụ Bác Hồ 15 năm. Bà Cù Thị Hợp, Nhà giáo nhân dân, nguyên là Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phú - Phú Thọ, hiện đã nghỉ hưu nhưng do tâm huyết và nặng lòng với con chữ nên bà đã mở trường tư thục mang tên Vũ Thê Lang tại Việt Trì để dạy học. Trong dòng họ còn có 3 tỉnh ủy viên, 9 chánh, phó giám đốc sở, 10 chủ tịch, phó chủ tịch quận huyện, hiệu trưởng trường quân sự, 9 đại tá quân đội.
Làm nên truyền thống vẻ vang của dòng họ Cù phải kể đến những gia đình hiếu học tiêu biểu. Đó là gia đình ông Cù Văn Phúc làm nghề nông nhưng có tới bốn người con đỗ đại học, gia đình ông Cù Văn Giụ có 6 người con học đại học, trong đó có 1 người con là nhà giáo nhân dân, 2 giáo sư, 1 tiến sỹ, 1 nhà giáo ưu tú… Ông Phách còn cho biết, trong 11 năm thực hiện công tác khuyến học, cả dòng họ đã góp được hơn 100 triệu đồng tiền quỹ khen thưởng, đã chi thưởng 75 triệu đồng cho 1 cháu đỗ vào các trường đại học, 57 cháu là học sinh giỏi các cấp. Năm học 2012-2013 vừa qua, dòng họ có 9 cháu là học sinh giỏi đạt giải, trong đó có 2 giải nhất cấp tỉnh, 4 giải nhì, 3 giải ba.
Khuyến học, khuyến tài là phong trào chung của toàn dân. Song, yếu tố nền tảng và vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Sự chủ động và khơi dậy truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, mỗi dòng họ sẽ là động lực quan trọng trong việc nhân rộng phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng