Điểm nhấn của ngày hội chính là Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 (SV-Startup 2020), được tổ chức trên quy mô toàn quốc, hơn 250 trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và hàng ngàn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia. Năm nay, Ban Tổ chức nhận được gần 600 bài dự thi (tăng gấp đôi so với năm 2019). Tại cuộc thi này, Dự án SAFACO của nhóm học sinh thành phố Cần Thơ vinh dự đoạt giải Nhì.
Tác giả Dự án là nhóm học sinh Liêu Minh Khôi, Phạm Văn Hữu Tài, Lê Thị Mỹ Duyên (khối lớp 12, Trường Trung học phổ thông Phan Văn Trị, huyện Phong Điền) và Trần Thị Cẩm Ngọc (khối lớp 11, Trường Trung học phổ thông An Khánh, quận Ninh Kiều). Ngày 28/12, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ ký quyết định tặng Giấy khen và khen thưởng cho nhóm tác giả, giáo viên hướng dẫn. Hai trường Trung học phổ thông Phan Văn Trị và Trung học phổ thông An Khánh tổ chức trao quyết định đến giáo viên và các em trong buổi lễ chào cờ đầu tuần của trường sáng 28/12.
Đại diện nhóm tác giả, em Trần Thị Cẩm Ngọc cho biết, Dự án SAFACO có sản phẩm là tủ điện điều khiển thiết bị nông nghiệp công suất lớn, kết hợp với sim điện thoại để sử dụng sóng điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Thiết bị giúp điều khiển, thu thập các yếu tố môi trường, quản trị hoạt động sản xuất nông nghiệp từ xa qua sóng điện thoại bằng tin nhắn SMS hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Thiết bị có các tính năng nổi bật: bật tắt, hẹn giờ tự động, điều khiển bằng giọng nói, bảo mật cao, chỉ có người được phân quyền mới truy cập được, thiết kế nhỏ gọn, an toàn, đấu nối đơn giản, dễ sử dụng. Hiện tại, ngoài điều khiển từ xa, thiết bị có thể phục vụ hoạt động của máy bơm nước, máy sưởi, máy tạo oxy cho ao nuôi tôm, hệ thống đèn chiếu sáng…
Với những tính năng tự động đó, người nông dân sẽ giảm thiểu sức lao động thủ công, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí do thiết bị có tính năng tự động thu thập các yếu tố môi trường và gửi thông tin vào điện thoại cho người chăn nuôi. Trên cơ sở đó, người nông dân sẽ ra các quyết định về thời gian và số lượng nước tưới tiêu phù hợp, việc quản trị canh tác, vì vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.
Cô Phạm Thị Thùy Linh, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ, các em có đầy đủ hai yếu tố để phát triển ý tưởng sản phẩm: đam mê xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và năng lực bản thân đáp ứng được đề tài. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nông nghiệp, có cha mẹ, ông bà làm nông, chứng kiến sự vất vả của nông dân mỗi ngày, các em mong muốn tạo ra một sản phẩm có thể giải phóng được sức lao động cho người làm nông nghiệp. Ngoài ra, là những học sinh giỏi về bộ môn Tin học, từng đoạt giải 3 Tin học Trẻ thành phố Cần Thơ năm 2019 nên các em có nền tảng viết phần mềm khá vững.
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai ý tưởng, cô Linh cho biết, do các em học ở hai trường cách xa nhau, lại có hai giáo viên hướng dẫn nên việc tập hợp làm việc chung cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, là “dân công nghệ” nên tập thể thầy và trò đã tìm cách khắc phục bằng phương pháp nhóm họp trực tuyến qua phần mềm Zoom. Những ngày cuối tuần, cả nhóm tập hợp sinh hoạt trong Không gian sáng tạo của Trường Đại học Cần Thơ.
Ngôn ngữ lập trình của phần mềm là Arduino, đây là phần các em chưa được học trong giáo trình giảng dạy phổ thông của nhà trường, vì thế các giáo viên hướng dẫn phải đào tạo nâng cao thêm cho các em về ngôn ngữ lập trình này. Ngoài ra, các em cũng khá vất vả và mất thời gian cho công việc quảng bá sản phẩm, thuyết phục người sử dụng. Do có đam mê và nhiệt huyết nên nhóm tác giả đã không quản ngại nắng, mưa đi truyền thông sản phẩm đến tận tay người nông dân, lắp thử nghiệm và lắng nghe phản hồi để liên tục cải tiến sản phẩm. Hiện hơn 150 sản phẩm đã được sử dụng tại Cần Thơ, Hậu Giang với giá bán ra gần 2,6 triệu đồng/sản phẩm, cho phản hồi tích cực.
Em Liêu Minh Khôi – thành viên nhóm tác giả chia sẻ, từ phiên bản 1.0 đầu tiên, nay nhóm chuẩn bị ra mắt phiên bản 3.0 với nhiều tính năng nâng cấp khác nhau. Sản phẩm của nhóm nghiên cứu được đánh giá có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh đang có trên thị trường như: có thể biết được hệ thống thiết bị đã bật - tắt hoàn toàn chưa, tránh được tình trạng cháy moteur cũng như bảo vệ được các linh kiện của thiết bị; hiển thị được công suất tiêu thụ dòng điện, để từ đó nông dân ước tính được các chi phí, dự đoán lời hay lỗ trong nuôi trồng.
Theo Liêu Minh Khôi, sản phẩm của nhóm nghiên cứu hiện vẫn còn điểm hạn chế, đó là phần mềm điều khiển mới chỉ chạy được trên nền tảng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Thời gian tới, nhóm sẽ mở rộng và nâng cấp phần mềm chạy trên hệ điều hành iOS, để tất cả mọi người có điện thoại đều sử dụng được ứng dụng của nhóm nghiên cứu.
Thầy Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho biết, đây là năm thứ 3 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp. Cả 3 năm thành phố Cần Thơ đều có học sinh tham dự, nhưng đây là năm đầu tiên thành phố có giải và là giải cao. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở, Ban Giám hiệu các trường, khơi gợi tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học cho học sinh; đồng thời, hỗ trợ các em hoàn thiện ý tưởng, kỹ năng qua quá trình hình thành sản phẩm. Mục đích lớn nhất mà ngành giáo dục Cần Thơ mong muốn là đẩy mạnh mô hình giáo dục trải nghiệm, giáo dục STEM trong trường học. Theo đó, học sinh được lĩnh hội lý thuyết thông qua thực hành, hướng tới tạo ra những sản phẩm sáng tạo, mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống.