Gánh nặng “tự nguyện"
Ngày 29/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thông tin, Ban giám hiệu và một số giáo viên trường Tiểu học Kỳ Trinh vừa bị phê bình và yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm vì chưa bám sát các quy định trong huy động xã hội hóa đầu năm học, tạo dư luận không tốt.
Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2022 - 2023 diễn ra vào giữa tháng 8, giáo viên chủ nhiệm của ba lớp 1 Trường Tiểu học Kỳ Trinh đã thông báo nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, ba chiếc bảng, những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh. Mỗi học sinh phải đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa. Tổng số tiền là gần một triệu đồng.
Để “đôn đốc” phụ huynh, một giáo viên chủ nhiệm nhắn trên nhóm chat chung của lớp: “Quan điểm, chỉ đạo của nhà trường ta là nhập gia tùy tục, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác. Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, em đó phải tự chịu trách nhiệm”.
Việc vận động học sinh mua bàn ghế, bảng... này được giải thích: Đây là tài sản của học sinh và sẽ theo các em từ lớp 1 đến lớp 5. Nếu lên cấp THCS, học sinh có thể tặng lại hoặc được phép mang về sử dụng. Tuy nhiên, cách vận động này của nhà trường chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.
Cũng trong ngày 29/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong tám hoạt động yêu cầu các địa phương thực hiện, Bộ GD&ĐT nêu các địa phương phải công khai các khoản thu, chi.
Bên cạnh vấn đề thu, chi, năm học 2022 -2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh, thành cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách đầu năm học. Bộ đề nghị các địa phương kiểm tra việc lựa chọn sách theo chương trình mới, hoạt động dạy thêm, học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo.
Nhiều nơi chủ động chế tài
Trước chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, một số địa phương đã chủ động đưa ra những yêu cầu với các trường liên quan đến việc thu, chi đầu năm. Sở GD&ĐT Quảng Trị vừa yêu cầu, các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng.
Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể Hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai hình thành kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm việc thu bình quân.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt đến cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh, triển khai các khoản thu công khai. Ngoài các khoản thu được quy định, các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được tự ý đặt ra thêm những khoản thu từ phụ huynh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu có ý kiến Sở sẽ xử lý nghiêm.
Trong văn bản mới ban hành, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định dù đã có hướng dẫn, song một số trường trên địa bàn tổ chức mua, may đồng phục cho học sinh, sinh viên chưa đúng quy định, gây tốn kém, bức úc cho gia đình, dư luận xã hội, nhất là vào đầu năm học mới. Do đó, Sở yêu cầu các trường tuyệt đối không bắt buộc học sinh may hoặc mua đồng phục mới đầu năm học, không in phù hiệu, hoạ tiết... gây tốn kém.
Còn Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk quy định: Các khoản thu phải dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất của lãnh đạo cơ sở giáo dục. Tất cả các khoản thu phải thông qua kế toán và lập sổ thu – chi đúng quy định. Tuyệt đối không được dùng các khoản thu của nội dung này để điều chuyển cho nội dung khoản thu khác hoặc chi cho mục đích khác.
Để minh bạch thu, chi, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các đơn vị trường học, các cá nhân liên quan ưu tiên thực hiện thu chi không dùng tiền mặt. Đồng thời, các khoản thu chi phải được kế toán lập phiếu và nộp vào tài khoản ngân hàng, không được để tồn quỹ tiền mặt quá mức quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên hoặc nhân viên khác trong trường thu tiền của học sinh. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát thu, chi của các đơn vị trực thuộc. Nếu xảy ra sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm.