Triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 1, năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc tuyển dụng thêm 673 giáo viên văn hóa và giáo viên đặc thù để ưu tiên sắp xếp đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 -2021, đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc trang bị thêm 41 phòng máy tính cho 40 trường Tiểu học. 100% cán bộ quản lý và giáo viên Tiểu học dạy lớp 1 năm học 2020-2021 được bồi dưỡng, tập huấn. Kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, Vĩnh Phúc có hơn 97% học sinh lớp 1 hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học, đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất.
Đối với việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã tuyển dụng bổ sung thêm 128 giáo viên Trung học Cơ sở trong năm 2020, bổ sung kinh phí cho các địa phương hợp đồng giáo viên Tiểu học, Trung học Cơ sở nhằm bảo đảm đủ giáo viên cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cùng với đó, Vĩnh Phúc tiến hành rà soát, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học đáp ứng cho triển khai dạy học lớp 2, lớp 6. Ngành Giáo dục và Đào tạo cử 167 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt, công tác lựa chọn và triển khai sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tiếp tục được ngành Giáo dục Vĩnh Phúc thực hiện theo đúng tiến độ. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn và thực hiện giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương lớp 1; đang thẩm định và hoàn thiện công tác biên soạn đối với tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6. Nội dung tài liệu giáo dục địa phương ở mỗi khối lớp có 8 chủ đề, đều gắn liền với văn hóa, con người, đặc trưng vùng, miền của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc thiếu hơn 1.100 giáo viên ở tất cả các cấp học, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên càng thiếu, đặc biệt giáo viên các môn đặc thù cấp Trung học Cơ sở (Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật). Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc chưa thực hiện mua tài khoản truy cập Hệ thống học trực tuyến LMS để bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý, giáo viên…
Từ khảo sát thực tế, cũng như lắng nghe ý kiến của các thầy cô trực tiếp trong giảng dạy, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi căn bản so với chương trình cũ, từ mục tiêu, nội dung chương trình cho đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… Do vậy, yếu tố quyết định thành công của đổi mới chính là đội ngũ quản lý và giáo viên ở mỗi nhà trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tuyên truyền sâu rộng công tác đổi mới giáo dục phổ thông đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của người dân, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật, trang thiết bị dạy và học, chủ động bố trí đầy đủ về giáo viên, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng giáo viên bộ môn để tránh tình trạng giáo viên dạy trái ban, tạo sự đột phá trong đổi mới giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành Giáo dục Vĩnh Phúc cần thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt đổi mới đánh giá theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo cơ sở vật chất trường học cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên.
Theo báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có 499 cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông, trong đó có 145 trường Tiểu học; 16 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở; 132 trường Trung học Cơ sở; một trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông. Tỉnh Vĩnh Phúc có 5.729 phòng học văn hóa cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở; 204.446 học sinh bậc Tiểu học và học sinh Trung học Cơ sở; 675 cán bộ quản lý, 6.932 giáo viên văn hóa và giáo viên các môn đặc thù cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở.