Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc họp với Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, sau hơn nửa tháng được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến nhân dân, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sau đây gọi tắt là CT tổng thể) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học trong và ngoài ngành giáo dục, giảng viên đại học, giáo viên và học sinh phổ thông, anh chị em đang học tập và làm việc ở nước ngoài.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo CT tổng thể và cho rằng dự thảo CT tổng thể đã quán triệt quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ, kế thừa, phát huy ưu điểm của các CT giáo dục phổ thông (GDPT) đã có, đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng CT GDPT phát triển năng lực người học, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về dự thảo, Ban Phát triển chương trình cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình, cụ thể là về một số vấn đề sau: căn cứ xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD); tên các môn học và HĐGD; thời lượng học tập; tiến độ triển khai CT.
Nhiều ý kiến lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai CT mới từ đầu năm học 2018 - 2019.
Đây là những lo lắng rất có cơ sở. Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, Ban Phát triển CT kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai CT mới theo từng bước, cụ thể như sau: Trong năm học 2018 – 2019, cho triển khai đại trà CT mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.
Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Đến năm học 20122 – 2023, CT mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của CT mới.
Cần tiếp tục lấy ý kiến những giáo viên địa phương
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo. Kết quả của sự nỗ lực đó đã được thể hiện qua những đánh giá tích cực từ dư luận xã hội về những điểm mới, điểm ưu việt của dự thảo chương trình tổng thể như: tính kế thừa và tính hội nhập; chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở; đưa ra được “chân dung” người học sinh mới; phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; tăng cường tính tự chủ cho các địa phương, các cơ sở giáo dục, cho người dạy và người học.
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều về một số nội dung của dự thảo chương trình tổng thể. Trước những luồng ý kiến này, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi quá trình tiến hành công phu cũng như tinh thần cầu thị, lắng nghe một cách tích cực, do vậy những ý kiến phản biện trái chiều là bình thường và cần thiết trong quá trình hoàn thiện dự thảo.
Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, trong đó những ý kiến đúng, phù hợp phải được bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo, những nội dung xét thấy chưa phù hợp cũng cần được giải trình sao cho xã hội hiểu đúng và đồng thuận.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần chủ động xin ý kiến đóng góp của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục đang công tác tại các địa phương, các cơ sở giáo dục trong cả nước. Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới, điểm tốt nhưng dù mới, dù tốt đến đâu cũng phải phù hợp với địa phương, vì vậy, ý kiến từ địa phương, từ cơ sở, từ những người trực tiếp triển khai thực hiện là vô cùng quan trọng. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần có kênh tiếp thu ý kiến của học sinh, phụ huynh học sinh và các đối tượng có liên quan. Với tính chất quan trọng của chương trình, tôi đề nghị Ban soạn thảo lùi thời gian xin ý kiến để giáo viên, học sinh và người dân có thêm thời gian tham gia góp ý cho dự thảo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để việc góp ý cho dự thảo chương trình tổng thể đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo xây dựng đề cương góp ý, trong đó tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến sâu như mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; phẩm chất, năng lực cần hình thành và phát triển cho học sinh; tính kế thừa từ chương trình hiện hành; định hướng hội nhập; thời lượng các môn học; việc lựa chọn các môn học; điều kiện thực hiện chương trình, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
“Quan điểm chung của Ban chỉ đạo là tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương bảo đảm đồng bộ, đồng tốc, hiệu quả trên cả 3 mặt: xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trong thực hiện lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng khẳng định.